Luật sư Việt Dũng

Xác định tỉ lệ thương tật có tác động như thế nào khi giải quyết ly hôn

Luật sư giải đáp thắc mắc về việc giải quyết yêu cầu ly hôn theo pháp luật hôn nhân gia đình và cách xử lý người chồng có hành vi bạo lực gia đình. Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi luật sư về thủ tục làm giám định thương tật. Cách đây 2 tuần Chị tôi bị chồng đánh gãy 2 xương sườn, viêm phổi, bị liệt dây thần kinh. Có giấy cấp cứu và nằm điều trị tại bệnh viện, và hiện tại vẫn đang điều trị. Luật sư hãy tư vấn cho tôi cách để làm giám định thương tật và làm ngay bây giờ liệu đã muộn chưa. Và giám định thương tật này sẽ tác động như thế nào về mặt pháp luật tại toà án nếu chị tôi và chồng tiến hành thủ tục ly hôn. Tôi xin chân thành cảm ơn quý luật sư 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Trước hết, căn cứ theo quy định tại điều  22 Luật Giám định tư pháp năm 2012 có nội dung sau:

Điều 22. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp

1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Như vậy để thực hiện việc giám định tỉ lệ thương tật của mình, chị gái bạn sẽ gửi yêu cầu bằng văn bản đến cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng để giám định. Cơ quan tố tụng là Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, còn người tiến hành tố tụng là  Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên,….Trường hợp đã gửi yêu cầu giám định đến cơ quan tiến hành tố tụng nhưng hết thời hạn 7 ngày phía cơ quan không trả lời hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định chị gái bạn có quyền tự mình yêu cầu giám định đến tổ chức thực hiện giám định.

Khi thực hiện việc giám định tỉ lệ thương tật như vậy có tác động đến việc ly hôn như thế nào chúng tôi xin trả lời như sau:

Thứ nhất, khi giám định tư pháp xác định tỉ lệ thương tật sẽ có căn cứ để xử lý hành vi bạo lực gia đình của người chồng.

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình gồm:

“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

 b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

 c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

 d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;....”

Đối chiếu với vụ việc của chị gái bạn bị chồng đánh gãy 2 xương sườn, viêm phổi, bị liệt dây thần kinh. Đó là những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính (theo Nghị định 167/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình), xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân”

Như vậy từ việc xác định tỉ lệ thương tật là bao nhiêu % sẽ có căn cứ để xử lý hành vi đánh vợ của  người chồng sẽ chịu trách nhiệm hành chính hoặc là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, trong trường hợp việc giải quyết ly hôn theo yêu cầu của phía chị gái tức chị gái đơn phương xin ly hôn thì khi này Tòa án sẽ căn cứ vào hành vi bạo lực gia đình của người chồng từ đó có căn cứ giải quyết ly hôn theo quy định tại điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Như vậy nếu có căn cứ về việc chồng có hành vi bạo lực gia đình mà đã hòa giải tại Tòa nhưng không thành hai người vẫn không thống nhất chấm dứt quan hệ hôn nhân thì khi này Tòa sẽ căn cứ vào hành vi này để giải quyết cho ly hôn. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo