Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Vợ tự ý sử dụng tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân giải quyết thế nào?

Chị dâu tôi tự ý rút toàn bộ số tiền 400 triệu (tiền do hai anh chị làm ra trong thời kỳ hôn nhân) trong tài khoản, sau đó dẫn con bỏ đi. Chị dâu tôi có phạm tội chiếm đoạt tài sản không? Phải giải quyết trường hợp này thế nào?

 

Nội dung câu hỏi: Luật sư cho em hỏi một vấn đề như sau: anh trai của em lấy vợ được 9 năm, hai vợ chồng đã có với nhau 2 con, một trai một gái.cuộc sống hàng ngày hai vợ chồng đôi lúc có xảy ra cãi cọ nên đôi lúc cuộc sống vợ chồng cũng có mâu thuẫn với nhau. Trong khoảng thời gian 9 năm trời hai vợ chồng có tích góp được khoảng một số tiền 400 triệu đồng. Vì anh đi làm xa nên số tiền gửi tiết kiệm đều đứng tên của chị . Thời gian gần đây hai vợ chồng không có xích mích với nhau nhưng tự nhiên vợ của anh rút tiền gửi tiết kiệm và dẫn 2 con đi khỏi nhà mà không thông báo cho anh trai một tiếng. Vậy xin hỏi luật sư trong trường hợp này có quy vợ của anh vào tội hiếm đoạt tài sản của người khác được không ạ. Và nếu được thì xin hỏi luật sư là phải bắt đầu khởi kiện như thế nào và chị ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào. Xin cảm ơn luật sư!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi vấn đề cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

 

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

 

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

 

Như vậy, trong trường hợp này tài sản 400 triệu  được gửi tiết kiệm đứng tên người vợ được xác định là tài sản chung của vợ chồng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Cả vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với khối tài sản chung này. Khi một bên muốn sử dụng khối tài sản chung phải được sự đồng ý của bên còn lại. Trong trường hợp này của anh bạn, chị dâu bạn tự ý rút toàn bộ số tiền 400 triệu mà không thông báo cho anh trai bạn là không phù hợp với quy định của pháp luật về  chế độ tài sản chung của vợ chồng.

 

Tuy nhiên, hành vi rút tiền này của chị dâu bạn chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội chiếm đoạt tài sản vì chị dâu của bạn cũng có quyền đối với số tiền đó, ở đây cũng chưa thấy có dấu hiệu lừa dối hay lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt số tiền đó. Đồng thời anh trai và chị dâu bạn vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân do đó để giải quyết tốt nhất thì gia đình anh bạn nên tìm cách tìm lại chị dâu bạn để hỏi rõ lý do tại sao lại rút toàn bộ số tiền và mang con đi mà không thông báo cho anh bạn như vậy sau đó hai bên thỏa thuận để giải quyết.

 

Nếu trong trường hợp không thể thỏa thuận được thì anh trai bạn có thể gửi đơn khởi kiện dân sự về vấn đề vợ tự ý sử dụng tài sản chung và yêu cầu người vợ trả lại một nửa số tài sản trong khối tài sản chung (200 triệu) và gửi đến Tòa án nơi chị dâu bạn đang cư trú. Việc anh trai bạn yêu cầu chị dâu bạn trả lại 200 triệu trong thời kỳ hôn nhân là phù hợp với quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014.

 

Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân  như sau:

 

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

 

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

 

Theo đó, sau khi tòa đã thụ lý và giải quyết thì chị dâu bạn có trách nhiệm phải hoàn trả số tiền 200 triệu cho anh trai bạn, nếu chị dâu bạn đã dùng hết số tài sản chung thì phải dùng tài sản riêng để hoàn trả cho anh trai bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo