LS Vy Huyền

Vợ không cho phép thăm con thì phải làm thế nào?

Tôi đã ly dị vợ 1 tháng,nhưng thực ra đã ly thân 1 năm rồi,hôm nay 19 tháng 6 tôi có cùng mẹ xuống thăm con gái mình 3 tuổi,nhưng gia đình vợ đã ngăn cản làm khó tôi,thậm chí đe dọa đánh tôi nếu mình còn vô nhà vợ để thăm con,mình có quay lại toàn bộ sự việc bằng điện thoại, là clip cha vợ đã đe dọa tôi, xin hỏi luật sư là với những bằng chứng video clip ở trên thì tôi có thể kiện ra tòa để giành lại quyền nuôi con gái không?

 

Ngoài những clip trên tôi còn có 2 file ghi âm cuộc sự cấm cản của mẹ vợ tôi và sự đe dọa thách thức dọa đánh của vợ tôi nếu tôi xuống thăm con gái tôi, Cùng với đó nếu muốn tôi có thể kiện cả vợ tôi và cha vợ tôi đe dọa hành hung tôi.Tuy Công an đã tổ chức hòa giải,nhưng tôi không đồng ý vì Công an nói nếu muốn gặp con tôi phải xuống Công an xã,gọi vợ tôi mang con lên để cho tôi thăm nom,chăm sóc trong vài tiếng,và phải đăng ký với bên Công an là ngày nào gặp,1 tháng gặp mấy lần,và chỉ được gặp gỡ con tôi trong vòng vài chục mét chung quanh trụ sở Công an thôi sao.Tôi cảm thấy như là tội phạm vậy,vậy cho hỏi với những chứng cứ trên,tôi có thể khởi kiện dành quyền nuôi con không?Tôi đã tìm hiểu luật,việc chỉ định trực tiếp nuôi con là dựa trên cơ sở quyền lợi cho đứa trẻ,giờ tôi phân tích nơi vợ tôi ở chỉ là ở một huyện nghèo vùng sâu vùng xa,còn tôi cư trú là ở thị xã,đôi ba năm nữa là lên thành phố so về việc học hành,y tế,giải trí điều hơn hẳn nơi vợ tôi ở,tôi có thể đem luận điểm trên gửi lên tòa án không,với những điều tôi đã trình bày,bằng chứng ghi âm,video rất rõ ràng,nếu tôi kiện thì có nắm chắc là thắng kiện không?

 

 Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về quyền thăm nom con

 

Căn cứ theo quy định của pháp luật thì việc vợ bạn không cho phép bạn thăm nom con là sai so với quy định của pháp luật. Theo đó, việc hai vợ chồng bạn ly hôn chỉ chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai bên theo quy định của pháp luật chứ không chấm dứt quan hệ giữa cha, mẹ và con. Do đó,sau khi ly hôn bạn vẫn phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cha đối với con. Cụ thể, điều 82 luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn:

 

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì sau khi ly hôn bạn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai có quyền cản trở, bao gồm cả cha(mẹ) hoặc gia đình trực tiếp nuôi con. Điều này cũng được ghi nhận tại điều 83 luật hôn nhân và gia đình;

 

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

…2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

Trường hợp gia đình vợ bạn có hành vi đe dọa đánh nhằm ngăn cản việc thăm nom con của bạn thì bạn có quyền trình báo cơ quan công an để được yêu cầu được giải quyết. Theo đó, cơ quan công an, ủy ban nhân dân xã, phường sẽ có nghĩa vụ đứng ra hòa giải về việc thăm nom con của cha, mẹ, nếu bên cơ quan công an đưa ra biện pháp ( yêu cầu bạn đăng ký thời gian thăm nom con cũng như địa điểm được thăm con) mà hai vợ chồng bạn đồng ý thì sẽ thực hiện theo biện pháp mà cơ quan công an hoặc ủy ban nhân dân đưa ra. Còn trường hợp biện pháp mà bên công an hoặc ủy ban nhân dân đưa ra không hợp lý, hai bên bố, mẹ không đồng ý thì bạn có quyền khởi kiện trực tiếp ra tòa án để được giải quyết.

 

Mặt khác, nếu trong quá trình thực hiện quyền thăm nom con mà gia đình vợ bạn có hành vi đe dọa hành hung nhưng thực tế việc hành hung ấy chưa diễn ra thì chưa đủ căn cứ để truy cứu về tội cố ý gây thương tích cho người khác, tuy nhiên, trong trường hợp này bạn có quyền thông báo trực tiếp cho cơ quan công an xã, phường nơi vợ bạn cư trú để giải quyết.

 

Thứ hai, về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con

 

Theo quy định của pháp luật thì trường hợp bạn muốn giành lại quyền nuôi con thì bạn có thể gửi đơn lên tòa án nhân dân quận, huyện nơi vợ anh cư trú để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Theo đó, điều 84 luật hôn nhân và gia đình quy định nếu cha mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con hoặc một trong hai bên đưa ra được bằng chứng chứng minh cha (mẹ) không đáp ứng đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con thì có quyền được thay đổi quyền nuôi con. Cụ thể:

 

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

 

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

 

a) Người thân thích;

 

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

 

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

 

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

 

Như vậy, nếu bạn có căn cứ chứng minh việc gia đình bạn có hành vi ngăn cấm, đe dọa hành hung nếu bạn tiếp tục thực hiện quyền thăm nom con, đồng thời bạn có căn cứ chứng minh gia đình vợ bạn không đủ điều kiện để chăm sóc cho con hoặc bạn chứng minh được điều kiện của bạn sẽ đáp ứng tốt hơn cho con trong việc học tập cũng như sinh hoạt sau này của con thì bạn có quyền gửi đơn lên tòa án nhân dân quận, huyện nơi vợ bạn cư trú để yêu cầu thay đổi trực tiếp người nuôi con.

 

 Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo