Luật sư Vũ Đức Thịnh

Vợ đang mang thai chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp Vợ đang mang thai chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn không và nghĩa vụ của người bố đối với đứa bé trong bụng như thế nào?

Nội dung đề nghị tư vấn: Em chào luật sư! Hiện nay 2 vợ chồng em đã có 2 người con và em đang mang bầu 4 tháng. Do không hợp mẹ chồng nên 2 vợ chồng sống ly thân gần 3 năm nay. trong thời gian đó chồng em vẫn qua lại với em. Do sức ép của gia đình nhà chồng đòi ly hôn nên chồng em đã nộp đơn giải quyết ly hôn từ tuyến Thôn lên Xã rồi mới qua Huyện. Nhưng em mới được giải hòa qua thôn chưa qua xã mà huyện đã gọi kêu lên giải quyết cho xong chuyện. Luật sư cho em hỏi trong trường hợp của em như vậy thì nghĩa vụ của chồng em với đứa con trong bụng như thế nào. Em có quyền không giải quyết ly hôn khi con em chưa được 12 tháng không?
 

Vợ đang mang thai chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?
Vợ đang mang thai chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?


Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn

Tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Theo quy định trên, kết hợp với thông tin bạn cung cấp, chồng bạn sẽ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khi bạn đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, việc chồng bạn đứng tên trong đơn ly hôn và là người khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn như vậy là không đúng quy định của pháp luật.

Và cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết ly hôn là Tòa án nhân dân cấp Huyện. Việc chồng chị gửi giấy tờ đến Thôn sau đó qua xã cũng chỉ là 1 hình thức hòa giải cơ sở chứ cấp xã không có thẩm quyền giải quyết ly hôn.

- Thứ hai, về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Ngoài ra, tại Điều 83 Luật HN&GĐ 2014 quy định:

“Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Như vậy, nếu như có ly hôn xảy ra, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn sẽ được phát sinh theo quy định của pháp luật.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Vợ đang mang thai chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo