Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Từng bị trầm cảm có ảnh hưởng tới giành quyền nuôi con không?

Câu hỏi: Chào luật sư, em có câu hỏi về việc khi ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con nhưng một bên từng bị bệnh trầm cảm muốn luật sư tư vấn ạ. Vợ chồng chị gái em hiện đang ly thân, anh chị cưới nhau được hơn 2 năm và có 1 cô con gái được 16 tháng tuổi, vấn đề là chị gái em bị nhà chồng áp bức nhiều (cụ thể là chú thím bên chồng),

 

Chồng k quan tâm đến, bố mẹ chồng hiền lành không làm gì cứ kệ chú thím bên chồng nói chị gái em nên sau khi sinh chị có bị trầm cảm nhưng giừ đã khỏi. Do nhiều lần bị chú thím bên chồng nói mà nhà chồng không làm gì nên chị gái em không chịu được quyết định ly hôn. Gia đình nhà chồng cũng không khá giả, anh chồng thì công việc bấp bênh không ổn định, tính khí thất thường, chị gái em thì đang làm công nhân trong khu công nghiệp. Vậy luật sư cho em hỏi trong trường hợp chị em đã từng bị trầm cảm thì có khả năng được nhận nuôi con không ạ ???? Em cảm ơn luật sư ạ!!

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn như sau:

 

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

 

Như vậy,theo quy định này của Luật hôn nhân và gia đình con dưới 36 tháng tuôi sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp hai vợ chồng có thỏa thuận hoặc người mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự không có đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng con. Trong trường hợp này của chị gái bạn, chị gái bạn từng bị trầm cảm nhưng hiện tại đã khỏi, chị gái bạn cũng không mất năng lực hành vi dân sự do đó trường hợp này chị gái bạn vẫn được quyền ưu tiên nếu có tranh chấp về vấn đề nuôi con. Nếu bên phía người cha căn cứ vào việc chị gái bạn từng bị trầm cảm để tranh chấp quyền nuôi con thì chị gái bạn có thể đến các cơ sở y tế để xin xác nhận về việc hiện tại đã chấm dứt tình trạng trầm cảm và có thể nuôi dưỡng, chăm sóc con bình thường.

 

Bên cạnh đó, chị gái bạn nếu muốn ly hôn đơn phương thì cần phải lưu ý đến vấn đề lý do ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình để đảm bảo Tòa án thụ lý đơn và giải quyết ly hôn theo đúng yêu cầu. Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

 

“ 1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo