Luật sư Đào Quang Vinh

Tư vấn vợ bảo lãnh cho chồng và bảo lãnh sau khi vợ chồng ly hôn

Chào luật sư Em đang có một vấn đề rất mong được quý văn phòng tư vấn giúp em về vấn đề bảo lãnh khi ly hôn như sau ạ: Chồng em làm nhân viên kinh doanh cho một công ty làm về vật liệu xây dựng. Trong quá trình làm việc chồng e có sử dụng tiền của công ty vào việc cá nhân, hiện tại thì công ty đã đưa đơn kiện chồng em ra tòa. Trong quá trình làm việc thì phía công ty có đưa cho chồng e 1 tờ giấy bảo lãnh làm việc tại công ty có nội dung như là chấp hành các quy định của công ty

 

Thu tiền và nôp tiền đầy đủ và có khoản mục người bảo lãnh kí là fải chịu trách nhiệm bồi thường nếu vi phạm. Và công ty bắt vợ phải ký bảo lãnh cho chồng để được tiếp tục làm việc tại công ty, vì trong trường hợp này em bất đắc dĩ phải ký cho chồng để được tiếp tục làm việc tại công ty, nhưng không ngờ mọi chuyện lại xảy ra như vậy, vì vậy em muốn hỏi quý văn phòng tư vấn giúp em trong trường hợp này khi công ty đưa đơn kiện chồng em ra tòa thì e có bị ảnh hưởng và chịu trách nhiệm gì không ạ? và khi đưa đơn ly hôn thì em có trách nhiệm phải trả số tiền trên và em có được giải quyết ly hôn trong trường hợp này không ạ? em rất mong nhận được câu trả lời từ quý văn phòng. Em xin chân thành cảm ơn ạ!

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 về bảo lãnh:

 

“Điều 335. Bảo lãnh

 

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

 

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

 

Về phạm vi bảo lãnh Điều 336 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 336. Phạm vi bảo lãnh

 

1. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

 

2. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

3. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

 

4. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.”

 

Và theo Khoản 1 Điều 339 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quan hệ giữa bên bảo bãnh và bên nhận bảo lãnh:

 

Điều 339. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh

 

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.”

 

Như vậy, khi mà bạn nhận bảo lãnh cho chồng nghĩa là bạn sẽ phải chịu mọi nghĩa vụ nếu chồng bạn thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ mà chồng bạn không cần chứng minh lý do vi phạm. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp công ty khởi kiện yêu cầu chồng bạn hoàn lại tiền cho công ty mà chồng bạn không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì công ty có quyền yêu cầu bạn trả nợ thay cho chồng.

 

Tuy nhiên, nếu bạn đã thỏa thuận trước với công ty là bạn chỉ thực hiện nghĩa vụ khi chồng bạn không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì bạn sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ thay chồng trong mọi trường hợp mà chỉ thực hiện khi chứng minh rằng chồng bạn không có khả năng thực hiện.

 

Theo Điều 60 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

 

“Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn

 

1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

 

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.”

 

Bạn bảo lãnh cho chồng để có thể được làm việc trong công ty nhưng lại có hậu quả xấu sảy ra, do đó, với nghĩa vụ là bên nhận bảo lãnh, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm với hành vi sử dụng tiền của công ty kể cả khi 2 bạn đã ly hôn.

 

Nếu hai bạn thuận tình ly hôn: Theo Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.

 

Nếu ly hôn theo yêu cầu của 1 bên:  Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

 

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

 

Theo đó bạn có thể ly hôn trong trường hợp này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Ngọc Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo