Luật sư Việt Dũng

Tư vấn về việc ly hôn và bảo lãnh con ra nước ngoài

Nội dung tư vấn: Xin chào Luật sư . Tôi tên là Trinh . Nay tôi viết điều này , muốn hỏi luật sư về tình trạng hôn nhân . Tôi và chồng tôi đã kết hôn từ năm 2008 và có một cháu trai 8 tuổi . Tôi và chồng tôi và con tôi cùng sống chung với bố mẹ ruột của tôi .Và mẹ tôi đã nuôi cháu từ khi mới chào đời .

 

 Vì thời gian sống với nhau , vợ chồng có nhiều xung đột và nhiều lần anh ấy cũng đòi li hôn . Nhưng vì con tôi cố gắng sống đến bây giờ . Tôi đã chịu nhiều đau khổ khi sống với anh ấy suốt thời gian qua . Tôi thì 29 tuổi , anh ấy thì 43 tuổi . Tôi nghĩ mình sẽ có một gia đình hạnh phúc nhưng rồi cuối cùng sống trong đầy đau khổ và nước mắt . Và bây giờ tôi đi làm ăn xa và anh ấy vẫn ở nhà chăm con nhưng vẫn sống bên gia đình mẹ vợ . Xin lỗi luật sư vì tôi phải nói lên điều này nhưng tôi biết đó là sai với luật hôn nhân , nhưng vì tôi quá đau khổ và đầy nước mắt khi sống với chồng tôi . Khi tôi đi làm ăn xa ,tôi có quen một người đàn ông khác và ông ấy muốn kết hôn với tôi tại nơi này . Nhưng tôi nghĩ mình chưa li hôn thì không thể kết hôn . Nhưng chúng tôi đã sống ở đây như vợ chồng . Tôi muốn hỏi luật sư là làm thế nào tôi có thể li hôn với chồng của tôi và tôi muốn bảo lảnh con trai của tôi cùng ra nước ngoài sinh sống với tôi . Cảm ơn luật sư đã nghe những dòng tâm sự này .

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, để có thể kết hôn với người đàn ông kia thì hiện tại bạn cần phải thực hiện thủ tục ly hôn với chồng cũ. Bạn có thể lựa chọn hai hình thức ly hôn là thuận tình ly hôn theo điều 55  hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên theo quy định tại điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014

 

Với hình thức thuận tình ly hôn tòa án sẽ công nhận việc ly hôn của hai bạn trên cơ sở hai bạn hoàn toàn tự nguyện muốn ly hôn và đã thỏa thuận việc chia tài sản và quyền nuôi con. Lúc này bạn sẽ làm bộ hồ sơ gồm mẫu đơn thuận tình ly hôn, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân của hai người, giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực) và các giấy tờ chứng minh tài sản.  Bạn sẽ gửi trực tiếp hồ sơ tại Tòa án nơi vợ hoặc chồng đang cư trú hoặc gửi bằng đường bưu điện.

 

Với hình thức đơn phương xin ly hôn thì tòa án sẽ giải quyết cho hai người ly hôn khi có căn cứ ly hôn  về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.Khi đó bạn sẽ làm hồ sơ gồm mẫu đơn đơn phương xin ly hôn, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân của vợ, chồng, giấy chứng minh tài sản, giấy khai sinh con. Bộ hồ sơ này bạn có thể gửi trực tiếp đến Tòa án nơi chồng bạn đang cư trú hoặc gửi bằng đường bưu điện đến Tòa án này.

 

Sau khi tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc và tuyên bố ly hôn thì bạn mới có thể thực hiện thủ tục kết hôn với người đàn ông mới này.

 

Thứ hai, việc bảo lãnh cho con ra nước ngoài không thể chỉ có sự đồng ý của người mẹ mà việc này cần có sự đồng ý của người cha. Bởi lẽ theo Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì cả cha và mẹ sau khi ly hôn đều có quyền, nghĩa vụ chăm sóc con cái:

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

Theo đó, cho dù bạn là người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con, là người giám hộ của con nhưng người cha vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Vậy nên nếu việc đưa con sang nước ngoài là để tạo môi trường sinh sống tốt hơn cho con thì bạn cần có sự đồng ý của người cha, chứ bạn không được tự mình quyết định. Tuy nhiên phụ thuộc vào quy định của pháp luật nước bạn muốn đưa con sang có quy định về bảo lãnh như thế nào mà sẽ có những thủ tục pháp lý cụ thể. Đồng thời trong vụ viêc bạn không có quyền bảo lãnh cho con sang nước ngoài khi bạn không mang quốc tịch nơi bạn muốn đến, chỉ trường hợp người chồng mới của bạn thực hiện bảo lãnh cho riêng của bạn khi bạn chưa mang quốc tịch nước đó thì lúc này con bạn mới được bảo lãnh sang nước ngoài.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV Hà Tuyền - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo