Nông Bá Khu

Tư vấn về vấn đề xử lý đối với việc sinh con thứ ba

Nhằm khắc phục sự gia tăng dân số gây bất ổn trong xã hội, nước ta đã có các quy định về hạn chế sinh con thứ ba. Rất nhiều những vướng mắc liên quan đến việc sinh con thứ ba đối với đối tượng là công chức, viên chức, đảng viên. Vậy nếu sinh con thứ ba có bị xử lý kỷ luật hay xử phạt gì không?

1. Luật sư tư vấn về vấn đề sinh con thứ ba

Do đó, nếu bạn đang thắc mặc về vấn đề việc sinh con thứ ba có bị xử phạt gì theo quy định pháp luật thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn cụ thể về các vấn đề liên quan đến các hình thức kỷ luật và mức phạt khi sinh con thứ ba.

Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp vướng mắc.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2.Tư vấn về xử lý đối với việc sinh con thứ ba

Câu hỏi tư vấn: Tôi muốn hỏi về việc sinh con thứ 3: Tháng 12/2020, vợ tôi sinh con thứ 3, tôi bị xử phạt như sau:

   1. Đảng ủy ra quyết định kỷ luật khiển trách

   2. Hiệu trưởng ra quyết định kỷ luật khiển trách, chậm tăng lương 6 tháng, rút khỏi quy hoạch cán bộ, không quy hoạch trong 5 năm.

   3. Về phường làm giấy khai sinh cho con bị nộp 2 triệu đồng. Tôi nghe nói rằng xử phạt như thế là sai quy định.

Xin hỏi, cách thức xử phạt như vậy có đúng hay không?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin anh cung cấp, anh là viên chức và là đảng viên, năm 2020 vợ anh sinh con thứ ba và bị xử phạt. Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Pháp lệnh dân số năm 2003 do Văn phòng Quốc hội ban hành về hành vi sinh con thứ ba.

“Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản

1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con.

2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

3. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Các trường hợp sinh con thứ 3 không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con được quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 18/2011/NĐ-CP, cụ thể bao gồm 7 trường hợp:

1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

- Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);

- Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.”

Ngoài 7 trường hợp này, viên chức sinh con thứ 3 sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định đã phân tích ở trên. Nếu anh thuộc 7 trường hợp nêu trên anh sẽ không vi phạm pháp lệnh về dân số.

Nếu trường hợp của anh không thuộc 7 trường hợp trên và có con thứ 3 thì đã vi phạm quy định của pháp lệnh về dân số nên chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, Đảng ủy ra quyết định kỷ luật khiển trách

Anh là đảng viên thì trong trường hợp anh sinh con thứ ba không được pháp luật cho phép thì anh sẽ có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Quyết định 102-QĐ/TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành về vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình: “Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách…” Bởi vậy việc Đảng ủy ra quyết định kỷ luật khiển trách là đúng pháp luật.

Thứ hai, Về việc đơn vị ra quyết định kỷ luật khiển trách, chậm tiến độ lương 6 tháng, rút khỏi quy hoạch cán bộ, không quy hoạch trong 5 năm.

Tại Khoản 9 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định:

"Điều 16. Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

...

9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức".

Như vậy, trường hợp viên chức vi phạm quy định của pháp luật về dân số thì bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khiển trách. Do vậy, trong trường hợp này anh bị trường xử lý kỷ luật khiển trách là có căn cứ theo quy định của pháp luật. Trường hợp viên chức bị xử lý kỷ luật khiển trách: "c) Kéo dài 03 (ba) tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách" (quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV).

Liên quan đến việc quy hoạch cán bộ, Khoản 2 Điều 56 Luật viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung 2019) quy định:

 

2. Viên chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:

a) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;

b) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực".

Như vậy, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, ngoài ra, việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cần căn cứ vào chủ trương, chính sách và nhu cầu của từng đơn vị, từng địa phương. Do vậy, việc cơ quan rút anh khỏi quy hoạch cán bộ, không quy hoạch trong 5 năm là có căn cứ.

Thứ ba, Về việc xử phạt hành chính khi làm giấy khai sinh cho con:

Hiện nay, tại nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế không đề cập đến việc xử phạt khi sinh con thứ ba. Như vậy, việc sinh con thứ ba thì sẽ không bị xử phạt hành chính. Việc Phường yêu cầu anh nộp 2 triệu khi làm giấy khai sinh cho con là không có căn cứ pháp luật. Anh có thể yêu cầu Phường đưa ra văn bản trả lời về việc đưa ra điều kiện nộp 2 triệu đồng này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo