Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về trường hợp quyền nuôi con và thay đổi họ cho con

Thưa luật sư cho cháu hỏi nếu một bên đang nuôi con mà người chồng có kiện giành lại quyền nuôi con thì có được không? tôi đã ly hôn nên muốn thay đổi họ cho con thì có được không và phải làm thế nào? cụ thể như sau:

Cháu chào luật sư vợ chồng cháu cưới nhau được mấy tháng thì ly thân lúc đó cháu mới mang bầu được 2 tháng.đến tháng 6/201x mới ly hôn trong thời gian cháu mang bầu và sinh bé đến khi chồng và gia đình nhà chồng không hỏi han trợ cấp gì. Sau khi ly hôn tòa xử ch cháu mỗi tháng phải trợ cấp cho con cháu 1,5triệu/ tháng nay con cháu đã gần 4 tuổi chồng cháu có quyền đòi tranh quyền nuôi con không. Hiện nay cháu đã có nhà riêng kinh tế ổn định trong khi chồng cháu ở tập thể và cháu muốn đổi họ cho con của cháu sang họ của cháu thì cháu phải làm gì? Nếu như bố đẻ cháu không đồng ý thì có đổi sang họ mẹ được không? Có bắt buộc phải có sự đồng ý của bố cháu không? Xin luật sư tư vấn giúp cháu.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về trường hợp thứ nhất, khi có bản án của Tòa án  về ly hôn, quyền nuôi con đã có hiệu lực pháp luật rồi thì chồng bạn vẫn có quyền khởi kiện giành lại quyền nuôi con. Tuy nhiên khi xét xử tòa án sẽ căn cứ vào các điều kiện cụ thể của bố, mẹ để ra quyết định có thay đổi người nuôi con không. Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yêu tố sau:

+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.

+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).
Trong trường hợp này thì khả năng Tòa án sẽ không quyết định thay đổi người nuôi con bởi lẽ con đã ở với bạn từ đầu bạn có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn người bố.

Trường hợp thứ hai về vấn đề thay đổi họ tên cho con, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

“a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Theo đó, cả vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với con của mình kể cả khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Vì vậy, việc yêu cầu đổi họ tên cho con theo yêu cầu của một bên là vợ hoặc chồng đều phải được sự đồng ý của bên còn lại.

Trường hợp của bạn, việc đổi họ tên cho con bạn phải được sự đồng ý của chồng bạn, kể cả sau này bạn kết hôn với người khác và lấy họ tên của con theo người chồng mới

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo