Nguyễn Thu Trang

Tư vấn về trường hợp ly hôn do ngoại tình

Trong trường hợp vợ chồng tự nguyện kết hôn, được thuận tình cả về mặt pháp luật lẫn gia đình, vì điều kiện công việc vợ chồng gặp nhau tuần 1 lần, nhưng chưa đến 1 năm, chồng đề nghị ly hôn, không đưa ra được lý do, qua tìm hiểu chồng đã quen 1 người phụ nữ khác khoảng 4 tháng nay. Nay trở mặt chì chiết làm khó đủ điều (làm gì cũng chê, buộc vợ đưa tiền lương cho chồng giữ,.....) khiến vợ rơi vào cảnh hoảng loạn nhằm mục đích đồng ý theo yêu cầu ly hôn của anh ta.

Vậy trường hợp này pháp luật có bênh vực gì cho người phụ nữ không ạ! Vợ cũng đã đi tư vấn tâm lý hôn nhân nhiều lần, thì chuyên gia tâm lý nói diễn biến ngày càng xấu đi, và ly hôn là không tránh khỏi ( với quyết tâm của anh ta thì mọi biện pháp đều vô hiệu) vậy đó có phải là bạo lực gia đình không? Và ly hôn không lý do chính đáng chẳng lẽ mọi thiệt thòi người phụ nữ phải gánh hết như vậy sao? Rất mong được sự tư vấn của luật sư.

 

Trả lời tư vấn

 

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, trong trường hợp của bạn có phải là bạo lực gia đình không?

 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình

 

Cũng tại Khoản 1 Điều 2 Luật này có liệt kê các hành vi bao lực gia đình bao gồm:

 

Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

 

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

 

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

 

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

 

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

 

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

 

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

 

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

 

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

 

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

 

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.”

 

Như vậy, nếu bạn rơi vào một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ là bạo lực gia đình.

 

Thứ hai, trường hợp ly hôn không có lý do chính đáng.

 

Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn đang muốn đơn phương ly hôn mà không có lý do chính đáng thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình về ly hôn theo yêu cầu của một bên: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”

 

Như vậy, theo quy định này nếu trường hợp chồng chị muốn đơn phương ly hôn mà chị không đồng ý ly hôn với chồng chị thì chồng chị buộc phải chứng mình có hành vi bạo lực gia đình hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được mới có đủ căn cứ để Tòa án quyết định cho ly hôn.

 

Nên nếu không có lý do chính đáng thì chồng chị không thể thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn với chị.

 

Thứ ba, trường hợp người chồng ngoại tình muốn ly hôn với vợ thì người vợ có được pháp luật bảo vệ gì không?

 

Về trường hợp này thì pháp luật không có quy định cụ thể nào để bảo vệ người phụ nữ nhưng pháp luật có quy định trường hợp xử phạt về vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:

 

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
 

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

 

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

 

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

 

d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

 

đ) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;

 

e) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

 

Như vậy theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều trên, nếu chồng bạn mà đang chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác, bạn có thể tố giác hành vi của chồng bạn lên chính quyền địa phương thì chồng bạn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi này.

 

Nếu chồng chị có hành vi chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác mà gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.”

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo