Luật sư Trần Khánh Thương

Tư vấn về thủ tục đơn phương ly hôn và một số vấn đề pháp lý liên quan

Tư vấn về vấn đề bạo lực gia đình, thủ tục ly hôn, phân chia tài sản khi ly hôn. Cụ thể trong tình huống sau:

Nội dung đề nghị tư vấn:

Kính chào công ty luật Minh Gia.

Tôi tên là Trần A, tôi có vài vấn đề cần công ty Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi.

Mẹ tôi là bà L T T cưới chồng 2 là ông H từ năm 2009. Trước đó, cả hai đều đã từng kết hôn và con riêng:

-    Ông Thất có 4 con riêng và 2 người đã có gia đình, mẹ già 94 tuổi.

-    Mẹ tôi có 2 con riêng, tôi và em gái, cả hai cháu đều ở riêng.

Mẹ tôi về làm dâu tuy chỉ có 6 năm nhưng đã lo chu tất cho mẹ, chồng, con, cháu ngoại ông H.  Nhưng đến sau khi về làm vợ, Mẹ tôi mới biết được ông H đã nhiều lần mạo danh bác sĩ để lừa gạt dân lành lấy tiền ăn chơi trác táng. Điều này khiến Mẹ tôi bất bình trước việc làm thất đức của ông, Mẹ tôi khuyên ngăn ông đã không nghe mà còn đánh đập, chửi bới tôi và con tôi nhiều lần.

Chưa dừng lại ở đó, ông còn dụ dỗ lấy tiền tiết kiệm mà Mẹ tôi đã tích góp được trước khi cưới ông, đưa cho ông ăn nhậu. Mẹ tôi không đưa sẽ chịu đựng những đòn roi, đánh đập sỉ báng từ ông H, để giữ gìn hạnh phúc gia đình Mẹ tôi đã nhẫn nhịn và kết quả là lúc ông buồn thì cho tôi ăn tát, lúc vui thì nắm tóc vày đầu.

Vào tháng 4/2015 ông H cầm xẻng tấn công Mẹ tôi và tôi. Khi nắm được tóc Mẹ tôi thì ông H vừa đấm vào mạng sườn vừa mạt sát Mẹ tôi. Nhờ sự giúp đỡ của chú B công an xã mà tôi và mẹ tôi có thể chạy thoát.

Sau khi được hòa giải ông vẫn không từ bỏ việc hành hung mẹ con tôi làm thú vui.

Vào ngày 12/10/2015 ông ta đã vô cớ tìm cách hành hạ, truy bức để lấy cớ đánh đập mẹ và em gái tôi. Ông đánh đập mẹ và em gái tôi từ trên tầng 2 xuống tầng một, không những thế, ông còn xô cả hai mẹ con xuống bùn kèm theo những lời lăng mạ và chửi rủa hết sức khó nghe. Để bảo toàn tính mạng, mẹ và em gái phải bỏ chạy tới trường mẫu giáo gần lánh nạn. Trên là tất cả sự việc đều xảy ra dưới sự chứng kiến của chú B, bà M, vợ chồng chú A, còn những việc ông đánh đập mẹ tôi lúc có hai người, đánh mẹ tôi dọc đường và tại nhà chị gái mẹ tôi. Hiện tại, mẹ tôi đã chạy trốn khỏi nhà và sống lang bạt nơi đây mai đó để tránh sự truy bức của ông H từ ngày đó.

Với bản tính hung hãn côn đồ, ông H vẫn không ngừng buông tha, ông vẫn nhắn tin đe dọa, hết lần này đến lần khác rằng ông sẽ thuê xã hội đen đánh đập mẹ và em gái tôi, gặp đâu đánh đó. Ông còn tuyên bố thằng thừng “công an cảnh sát cũng không thể bảo vệ nổi cho hai mẹ con chúng tôi, ông sẽ truy sát suốt đời, trốn một lần nhưng trốn hết cả đời được không?”. Tất cả chưa dùng lại ở đó, ông H còn nhắn tin đe dọa, phỉ báng bản thân mẹ tôi lẫn nhân thân, họ hàng nhà tôi qua hai số điện thoại.

Vậy

- Nếu mẹ tôi muốn ly hôn thì cần phải làm những thủ tục gì, gửi đến đâu?

- Vì những lần đánh đập đó không có thương tích trên 11% nên tôi không truy cứu hình sự được, nhưng hiện tại mẹ tôi bị hoảng loạn tinh thần vậy đây có được xem là 1 thương tích không? Nếu phải thì tôi cần phải đưa mẹ đi dám định ở đâu? xác nhận kết quả gì?

- Tôi cần viết những đơn gì để bảo vệ tính mạng mẹ và em gái tôi, gửi đến đâu, cơ quan nào?

- Còn về tài sản mẹ tôi mua cho anh em tôi mỗi người 1 mảnh đất, đứng tên tôi và em gái tôi, và xây nhà trên mảnh đất em gái tôi. Vậy tôi cần chứng minh gì để chứng tỏ đó là tài sản của em gái tôi chứ không phải tài sản chung của mẹ và ông ấy (tiền xây nhà cho em gái tôi được mẹ tôi bán đất từ quê vào xây.)

- Khi ly hôn, tòa sẽ gọi lên hòa giải nhiều lần, vậy có cách nào giúp việc thi hành thủ tục ly hôn mà không qua việc hòa giải không?

Cuối cùng cảm ơn vì sự giúp đỡ và lắng nghe của Quý công ty, chúc công ty làm ăn phát đạt thành công.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến công ty chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau.

Thứ nhất, về thủ tục ly hôn.

Để giải quyết việc ly hôn, trường hợp này mẹ bạn nên làm đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn (chồng) đang cư trú, làm việc; Hồ sơ đơn phương ly hôn bao gồm:

+   Đơn xin ly hôn (theo mẫu);

+   Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

+   Sổ hộ khẩu, Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (bản sao chứng thực);

+   Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);

+   Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực);

(Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường Bưu điện)

Thứ hai, về vấn đề truy cứu trách nhiệm đối với hành vi bạo lực của người chồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên vẫn có thể áp dụng một số quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. để xử lý hành vi của người chồng, cụ thể:

Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 50. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ănnhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.

Điều 52. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;

b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này.

Thứ ba, về vấn đề tài sản.

Đối với những tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu thì người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu được xác định là chủ của tài sản đó. Nếu mảnh đất trên có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên em gái bạn thì đó được xác định là tài sản riêng của em bạn. Do vậy, đây không phải là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn.

Thứ tư, về vấn đề vắng mặt trong phiên hoà giải.

Về nguyên tắc, tòa án phải hòa giải VADS trước khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy vậy, theo quy định tại Điều 182 BLTTDS đối với những vụ án không tiến hành hòa giải được thì Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Những vụ án không tiến hành hòa giải được bao gồm:

- Bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

- Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng.

- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

Trường hợp mẹ bạn là nguyên đơn thì theo quy định trên, mẹ bạn có thể vắng mặt trong phiên hoà giải nếu có lý do chính đáng hoặc là người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo