LS Xuân Thuận

Tư vấn về quyền thăm nom con ngoài giá thú của cha

Luật sư cho hỏi: Tôi và cô ấy cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn, sống với nhau đc một thời gian thì chuyện tình cảm của chúng tôi xảy ra mâu thuẫn nên cô ấy bỏ về nhà mẹ đẻ để ở. Trong thời gian đó cô ấy đang mang thai. Mặc dù đã nhiều lần mong muốn được hàn gắn với nhau nhưng đều không thành, tôi quyết định chia tay, và đã được gia đình hai bên chấp thuận.

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn, trường hợp bạn thắc mắc chúng tôi nghiên cứu tư vấn như sau:


1. Về quyền và nghĩa vụ của bạn với con
 
Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ quy định:
 
“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
 
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
 
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
 
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”

Đồng thời, Điều 82 và 83 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
 
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
 
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
 
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
 
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
 
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
 
Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
 
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
 
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”


Áp dụng các quy định trên, là cha đẻ của cháu, bạn có quyền được thăm cháu và mẹ cháu không có quyền cản trở quyền này của bạn. Tuy nhiên, hiện nay khi trên giấy tờ (cụ thể là giấy khai sinh của cháu) chưa có tên của bạn đồng nghĩa với việc pháp luật chưa công nhận bạn là cha đẻ của cháu. Do đó hiện tại để có thể được pháp luật bảo vệ quyền thăm con, trước hết bạn cần làm thủ tục xác nhận cha con. Để làm thủ tục này, bạn cần có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con. Chứng cứ này theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP là:

“1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
 
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.”
 
Văn bản hợp lệ theo khoản 1 Thông tư 15/2015/TT-BTP ở trên có thể là xét nghiệm ADN. Như vậy, sau khi có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con như trên, bạn sẽ mang những chứng cứ này cùng với đăng ký khai sinh bản gốc của cháu lên Uỷ ban Nhân dân trước đây đã cấp khai sinh cho cháu, làm thủ tục cha nhận con đẻ. Trường hợp vợ bạn không cung cấp giấy khai sinh của cháu tạo điều kiện cho bạn đi làm thủ tục thì bạn có thể lên cơ quan công an xã, phường nơi vợ bạn hiện cư trú yêu cầu giải quyết.
 
Sau khi hoàn thành thủ tục để được xác nhận là cha đẻ trong giấy khai sinh của cháu, bạn có quyền thăm cháu và nếu cô ấy tiếp tục ngăn cản thì bạn có thể trình báo ra các cơ quan chức năng địa phương để được giải quyết. Sau khi được xác nhận là cha đẻ trong giấy khai sinh của cháu, bạn sẽ được pháp luật công nhận các quyền của cha với con đẻ, tuy nhiên mặt khác bạn cũng sẽ phát sinh các nghĩa vụ với cháu như nghĩa vụ trợ cấp khi không trực tiếp nuôi cháu.  
 
2. Về quan hệ giữa hai vợ chồng bạn
 
Nếu hai bạn chưa đăng ký kết hôn thì pháp luật chưa công nhận hôn nhân của hai bạn do đó mặc dù hai bạn đã có tổ chức đám cưới nhưng giữa hai bạn vẫn chưa phát sinh quan hệ vợ chồng và trên giấy tờ thì bạn vẫn có thể kết hôn với người khác nếu thời điểm đó bạn đang không đăng ký kết hôn với bất kỳ ai. Việc cô ấy “khiếu kiện” bạn sẽ tùy vào nội dung kiện, nếu tố cáo bạn theo diện chung sống như vợ chồng với người khác khi đã cưới cô ấy rồi thì sẽ không thể vì thực tế hai bạn chưa đăng ký kết hôn, nếu thời kỳ chung sống hai bạn có tài sản chung và cô ấy kiện đòi tài sản thì việc giải quyết tài sản này sẽ như sở hữu chung thông thường, không phải sở hữu chung vợ chồng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: Quyền thăm nom con ngoài giá thú của cha. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo