Luật sư Trần Khánh Thương

Tư vấn về phân chia tài sản của bố mẹ khi ly hôn

Chào luật sư ạ. Cháu năm nay 16 tuổi. Mẹ cháu đi xuất khẩu lao động từ năm cháu 5 tuổi và về nước tháng 7 năm ngoái. Khi về nhà thì bố mẹ cháu rất hay xích mích, cãi cọ nhau. Đã nhiều lần bố cháu đi uống rượu say về nhà đập phá đồ đạc thiệt hại rất nặng nề. Khi ở nước ngoài mẹ cháu gửi tiền về cho bố cháu xây nhà. Giá trị căn nhà khoảng 600 triệu đồng. Bây giờ mẹ cũng đau ốm thường xuyên và không có thu nhập gì ngoài 2 sào ruộng.

Cháu rất thương mẹ cháu ạ. Cháu thấy mẹ cháu khổ quá rồi. Hầu như tiền làm ăn được mẹ cháu đều dốc hết ra xây nhà. Nên bây giờ mẹ cháu cũng chỉ còn một khoản tiền nhỏ. Cứ mỗi lần đập phá như vậy cháu và mẹ cháu rất sợ và buồn. Anh cháu năm nay 20 tuổi và anh đang đi nghĩa vụ quân sự. Mẹ cháu muốn ly hôn. Vậy cháu hỏi luật sư như vậy thì tài sản trong gia đình và căn nhà bố mẹ cháu đang ở thì phân chia như thế nào ạ? Bìa đỏ mang tên bố cháu ạ.

 

TRẢ LỜI: Chào em! Câu hỏi của em, tôi xin trả lời:

Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc giả quyết tài sản của vợ chồng khi ly hon như sau:

 

"Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
 

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
 

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
 

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
 

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
 

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
 

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
 

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
 

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
 

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
 

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
 

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

..."

Theo đó, căn nhà được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ em được xác định là tài sản chung, khi ly hôn thì về nguyên tắc sẽ được chia đôi. Đối với mảnh đất do bố em đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xét hai trường hợp.

Nếu mảnh đất đó có trước khi bố mẹ em đăng ký kết hôn thì nó được xác định là tài sản riêng của bố, khi ly hôn, mảnh đất đó vẫn thuộc quyền sở hữu của bố em.

Nếu mảnh đất đó có sau khi bố mẹ em đăng ký kết hôn thì mặc dù một mình bố đứng tên trên GCNQSDĐ nhưng nó vẫn được xác định là tài sản chung của bố mẹ em trong thời kỳ hôn nhân. Khi ly hôn, quyền sử dụng mảnh đất đó cũng được chia đôi.

Với ý kiến tư vấn trên đây, hi vọng em đã hiểu rõ về nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn. Chúc em luôn ngoan ngoãn và yêu thương gia đình!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo