Mạc Thu Trang

Tư vấn về phân chia tài sản chung và người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Trong quan hệ hôn nhân không thể không phát sinh những mâu thuẫn. Trong trường hợp mâu thuẫn không thể giải quyết khiến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì có thể sẽ dẫn đến quyết định ly hôn của hai bên vợ chồng. Vậy khi ly hôn thì vấn đề về con chung và tài sản chung được giải quyết như thế nào? Để tìm hiểu chi tiết về vấn đề này, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Gia như sau:

1. Tư vấn quy định của pháp luật về ly hôn và giải quyết vấn đề về con chung và tài sản chung của vợ chồng

Khi bước vào quan hệ hôn nhân, hầu hết các cặp vơ chồng đều mong muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vì vậy, quyết định ly hôn chỉ được đặt ra khi họ không thể giải quyết những mâu thuẫn phát sinh. Việc khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án công nhận việc ly hôn có thể kéo theo những vấn đề liên hệ chặt chẽ với quan hệ hôn nhân đó là việc quyết định người trực tiếp nuôi dưỡng con chung, mức cấp dưỡng cho con của người còn lại và vấn đề liên quan đến chia tài sản chung trong thời ký hôn nhân. Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này có thể liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung như sau:

- Khi ly hôn thì việc xác định người trực tiếp nuôi con dựa trên những yếu tố nào?

- Tài sản nào được coi là tài sản chung trong thời ký hôn nhân?

- Khi ly hôn thì tài sản chung được phân chia như thế nào?

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tìm hiểu thêm tại một số tình huống tư vấn sau đây:

2. Tư vấn về trường hợp ly hôn khi có tài sản chung và con chung

Chào công ty luật Minh Gia! Tôi có câu hỏi muốn được tư vấn! Tôi cưới chồng từ năm 2012 ở chung với mẹ chồng, tôi có sinh một bé trai sinh năm 2013 và 1 bé gái 2017. Do ở chung với mẹ chồng nên đất cát vợ chồng tôi không đứng tên, từ khi cưới vợ chồng sắm được một số đồ đạc trong gia đình như xe (đứng tên chồng), tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt... Vậy khi li hôn thì tài sản chung có thể là những gì, và tôi có lợi thế trong việc đòi quyền nuôi con không. Hiện tai lương tôi 4 triệu/tháng, chồng tôi 11triệu/1 tháng. Rất mong được nhận tư vấn sớm nhất từ quý công ty! Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, xác định tài sản chung của vợ, chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Trong trường hợp vợ chồng bạn có đóng góp tài sản trong khối tài sản chung của gia đình thì có thể được xem xét phân chia khi ly hôn theo quy định tại Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“Điều 61. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

Do đó, đối chiếu với các quy định nêu trên, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn trừ trường hợp vợ, chồng bạn được thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng.

Trong trường hợp bạn muốn giành quyền nuôi con sau khi ly hôn thì về nguyên tắc, vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, nếu không thỏa thuận được Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ và quyền lợi về mọi mặt của con theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, trong quá trình giải quyết yêu cầu giành quyền nuôi con cho bạn Tòa án có thể xem xét đến các yếu tố sau đây để đưa ra ra phán quyết giao con cho vợ hoặc chồng nuôi sau khi ly hôn:

- Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên dành cho con, yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ.

Trường hợp này nếu bạn muốn giành quyền nuôi con thì cần phải chứng minh với Tòa án khả năng của mình về việc có thể nuôi dưỡng và chăm sóc con như: tình hình sức khỏe, điều kiện về chỗ ở, việc làm, thu nhập hàng tháng, điều kiện chăm sóc, giáo dục…Bên cạnh đó, bạn cũng cần chứng minh được rằng đối phương không nuôi dạy con tốt ví dụ như không quan tâm, chăm sóc con và có những hành vi bạo lực….

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo