Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về nuôi con sau ly hôn

Luật sư tư vấn về trường hợp thắc mắc việc mẹ có toàn quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi hay không, việc trực tiếp nuôi con sau ly hôn dựa vào điều kiện gì?

 Chào Luật sự, Tôi và chồng cưới nhau được gần 3 năm, chúng tôi có 1 con chung, hiện nay con gần 18 tháng. Sau thời gian chung sống tôi thấy mình không thể hòa nhập được với gia đình bên chồng vì chúng tôi có tư tưởng cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Hiện tôi đang công tác tại 1 cơ quan nhà nước cấp tỉnh, đã vào biên chế hơn 3 năm, trình độ đại học. Chồng tôi thì công tác tại ủy ban xã, là cán bộ bán chuyên trách, cũng học xong đại học. Cơ bản lương của chồng cao hơn tôi khoảng gần 1 triệu. Nhưng hiện tại tôi cũng có 1 số dư kha khá. Gia đình chồng thì có ba chồng bị tai biến, vẫn sinh hoạt cá nhân được. Mẹ chồng thì cũng lớn tuổi, cũng hay bệnh và bà cũng có nói là "giữ cháu không nổi", ngoài ra còn có chị chồng không gia đình sống chung. Từ hồi tôi sinh con đi làm lại đến nay thì gửi chị chồng trông, nhưng sáng tôi cho bé ăn rồi đi, trưa tôi lại về lo cho bé, chiều đi làm về thì tôi cũng trông bé chứ không hoàn toàn bỏ hết cho chị. Gia đình tôi thì hiện nay có mẹ, 52 tuổi, có tiền sử đường huyết cao, nhưng hiện nay vẫn có thể giữ bé tốt. Sau khi ly hôn tôi có thể mướn nhà trọ, và cho bé đi học ngay lập từ ở các trường mầm non bên tỉnh (về kinh tế tôi có thể chủ động hoàn toàn về vấn đề này, thậm chí có thể thuê luôn 1 người phụ giữ bé nếu không muốn cho bé đi học ngay) Vậy cho hỏi nếu tôi muốn ly hôn và nhất định phải nuôi con vì tôi không thể sống thiếu bé, thì tôi có được quyền nuôi bé không. Tôi biết con dưới 36 tháng thì quyền nuôi con thuộc về mẹ nếu không có thỏa thuận khác. Nhưng tôi muốn chắc là tôi có thể có toàn quyền nuôi bé không. Chân thành cảm ơn.

Trả lời câu hỏi: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn cho Công Ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau :

Căn cứ Điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, sau khi ly hôn,vợ chồng anh chị có thể thỏa thuận về quyền trực tiêp nuôi con, hoặc nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án quyết định, chị có thể đưa ra các căn cứ để chứng minh được điều kiện nuôi con của mình đảm bảo cho con phát triển một cách tốt nhất thì quyền nuôi con sẽ thuộc về chị,  trong trường hợp này con chị nhỏ hơn 36 tháng tuổi nên chị có quyền trực tiếp nuôi con theo quy định tại Khoản 3, Điều 81 và chị có toàn quyền nuôi con, tuy nhiên phải tôn trọng quyền của người cha không trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 82, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 .

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo