Đinh Thị Minh Nguyệt

Tư vấn về ly hôn và giải quyết nợ chung

Kính gửi văn phòng Luật Minh Gia. Lời đầu thư em kính chúc các anh chị, cô chú trong văn phòng Luật Minh Gia sức khỏe và công tác tốt.Em muốn xin tư vấn về vấn đề li hôn và chia tài sản như sau ạ. Bố mẹ em muốn li hôn sau gần 30 năm chung sống. Em xin tóm tắt về hoàn cảnh gia đình của em như sau ạ. Bố em đã có một đời vợ và hai người con trai, sau khi li hôn với vợ trước, bố mẹ em đến với nhau, không đám cưới, không đăng ký kết hôn từ năm 1989.

Đến năm 2006, mẹ em được bên Ủy ban nhân dân xã làm cho một giấy đăng ký kết hôn, và làm lại sổ hộ khẩu, bìa đỏ đất, tất cả đều có ghi tên mẹ em trong quan hệ với chủ hộ (là cha em) - là vợ. Nhưng sau đó, cha em không ký vào tờ giây đăng ký kết hôn mà xé đi.Hiện tại sổ hộ khẩu gia đình và bìa đất đều có tên mẹ em cùng với tên cha em.Sau 30 năm chung sống, cha em nhiều lần ngoại tình (tính đến nay đã là lần thứ 4), hay rượu chè, say xỉn, đánh đập hành hạ mẹ con em. Ông đã không dưới 10 lần đánh mẹ em nhập viện, lần nằm viện lâu nhất là 1 tháng. Với con cái luôn thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Mỗi lần ngoại tình đều đưa tình nhân về nhà, lấy tiền của cho nhân tình, và hành hạ mẹ con chúng em. Đến nay ông đã xây 2 nhà cho hai nhân tình cũ, và cuối cùng nhân tình bỏ, còn lại nợ nần để mẹ em gánh trả.Mỗi lần không có tiền, ông ấy đánh đập và bắt mẹ em đi vay mượn, vì không thể vay thêm từ ngân hàng và người thân, mẹ em phải vào phường để có tiền chi trả, và số tiền vay phường mẹ em là người đứng tên vay. Hiện tại, tổng nợ mà cha mẹ em phải trả bao gồm:

- Nợ tín dụng 350 triệu đồng. Mẹ em vay phường để trả lãi tín dụng hằng tháng, cho cha em đi bán bảo hiểm, lo các chi phí khác tính đến nay còn 187 triệu. Cách đây 10  tháng, khi mẹ em ra Hà Nội chăm chị gái em sinh em bé, cha em đã có dấu hiệu ngoại tình. Mẹ em về có phát hiện chứng cứ nhưng không biết ngoại tình với ai. Đến khi mẹ em về hồi tháng 7/2015, ông ấy cư xử tệ bạc, thường xuyên đánh đập vô lý do đến nỗi mẹ em ngất xỉu, và trong một lần bị đuổi đánh hàng xóm đã can ngăn và bắt xe cho mẹ em ra Hà Nội, lúc đi mẹ em chỉ mang được hai bộ quần áo, còn không có dép để đi. Sau 2 tháng, người nhà ở quê có thông báo cha em công khai đi lại với một giáo viên tiểu học góa chồng có hai con trai, đang là Đảng viên và đứa con út của bà này học với em gái út của em.Thông tin ngoại tình này được chính cha em xác nhận, và con út của người đàn bà này cũng đã từng xác nhận với em gái em qua tin nhắn. Hiện tại cha em yêu cầu mẹ em li hôn và thanh toán nợ nần, tài sản. Tuy nhiên ông ấy muốn mẹ em ra đi tay trắng vì vu cho mẹ em tội "bỏ nhà, bỏ chồng ra đi" và hợp thức hóa việc ngoại tình của mình. Hiện tại ông ta không cho phép mẹ em về nhà, và cũng tuyên bố sẽ đơn phương li hôn, không cho mẹ em bước chân vào nhà. Và còn có hành động xuống nhà ông bà ngoại em để quậy phá.Vậy em muốn nhờ văn phòng luật sư tư vấn giúp em:

- Nếu cha em đơn phương li hôn, mẹ em cần những thủ tục gì để chứng minh mình có quyền lợi trong khối tài sản chung? Vì hiện tại giấy ĐKKH mẹ em không có, đã bị cha em xé từ trước- Khối nợ chung của cả hai người sẽ được phân chia như thế nào, đặc biệt là số nợ phường mà mẹ em đã vay dưới tên mẹ em. Các chủ phường đều biết hoàn cảnh, và biết lý do mỗi lần mẹ em đi vay phường. Em nghĩ họ đều sẵn sàng đứng ra đối chứng.

- Hiện tại đã đến hạn trả nợ tín dụng, nhưng nhà em không có khả năng chi trả, có thể sẽ bị ngân hàng hóa giá nhà với mức giá thấp (trị giá thật ngôi nhà khoảng từ 800-950 triệu). Vậy trong trường hợp này mẹ em nên làm gì để bảo vệ quyền lợi.

- Em muốn xin thủ tục li hôn ạ. Em cám ơn văn phòng luật sư đã dành thời gian đọc thư của em. Em xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: 

 

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trường hợp này, giấy đăng ký kết hôn đã bị bố bạn xé rách nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng giữa bố mẹ bạn và giải quyết các vấn đề khác khi ly hôn.

 

Về việc chia tài sản khi ly hôn

 

Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

 

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

 

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.


Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
 
+   Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
 

+   Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
 

+   Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
 

+   Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

 

Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

 

Như vậy, đối với thửa đất mà bố mẹ bạn cùng đứng tên được xác định là tài sản chung về nguyên tắc sẽ chia đôi

 

Về việc thanh toán khoản nợ 

 

Căn cứ Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng như sau:

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.


Điều 37 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.


Do là nghĩa vụ liên đới nên kể cả khi ly hôn thì hai vợ chồng vẫn phải thanh toán khoản nợ này như nghĩa vụ chung. Bên cạnh đó, các khoản nợ, mặc dù đứng tên một người nhưng vẫn thuộc nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng theo quy định về nghĩa vụ tài sản chung vợ chồng. 

 

Hồ sơ xin ly hôn gồm:

Đơn xin ly hôn

- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

- Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng

- Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng

- Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (nếu có)… 

- Bản sao giấy khai sinh của con.

Trong trường hợp không có bản chính giấy đăng ký kết hôn vì bị xé rách thì bố  mẹ bạn có thể ra phường/xã nơi mà bố mẹ mẹ bạn đăng ký kết hôn yêu cầu họ trích lục giấy đăng ký kết để nộp cho tòa. Khi đem hồ sơ nộp cho tòa, bố mẹ bạn cũng cần nêu rõ lý do.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: Ly hôn và giải quyết nợ chung. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo