Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn về hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng cho mẹ

Thưa luật sư cho tôi hỏi là : ba tôi có chia đều tài tài sản cho các con, giấy tờ nhà do ông đứng tên sang lại cho tôi. Nay cũng được nhiều năm mẹ tôi và các em âm mưu giành lại. Nay mẹ làm đơn phản ánh tôi vì tội không phụng dưỡng mẹ già và mời tôi lên gặp mặt ở ủy ban nhân dân phường. Bên Ủy ban có người trực tiếp nói chuyện với chúng tôi ép tôi phải giao lại nhà.

 

Thưa luật sư cho tôi hỏi là : ba tôi có chia đều tài tài sản cho các con, giấy tờ nhà do ông đứng tên sang lại cho tôi.  Nay cũng được nhiều năm mẹ tôi và các em âm mưu giành lại. Nay mẹ làm đơn phản ánh tôi vì tội không phụng dưỡng mẹ mẹ già và mời tôi lên gặp mặt ở ủy ban nhân dân phường. Bên uỷ ban có người trực tiếp nói chuyện với chúng tôi ép tôi phải giao lại nhà. Tôi không giao nên người đó đã đọc cho tôi một tờ giấy bảo là lên tòa giải quyết và bắt tôi phải ký tên vào, tôi có xin đọc thì người đó không cho cho là sao ạ? như vậy tôi có bị mất mác gì không ạ? và việc họ làm là đúng hay sai.mong luật sư trả lời giúp tôi ạ. Tôi cảm ơn

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Vì bạn không cung cấp đủ thông tin về văn bản mà người bên Ủy ban nhân dân phường xuất trình nên tôi không thể tư vấn được bạn có quyền được đọc hay không và có thể có hậu quả pháp lý phát sinh hay không cũng như đánh giá được tính hợp pháp của văn bản này. Tuy nhiên,trong trường hợp đây không phải quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà lại làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý nào đó thì bạn có thể chứng minh giao dịch này vô hiệu do lừa dối, đe dọa.

 

Sau đây tôi sẽ tư vấn cho bạn về việc chia di sản thừa kế của bố bạn và nghĩa vụ cấp dưỡng của bạn theo pháp luật hiện hành vì đây là 2 lĩnh vực có thể sẽ phát sinh tranh chấp với bạn.

 

- Nếu bố bạn mất có để lại di chúc hợp pháp chia tài sản cho các con và quyền sở hữu nhà ở thì để lại thừa kế cho bạn hoặc có giấy tờ tặng cho thì bạn không phải lo về việc căn nhà bị đòi bởi đó là tài sản bạn được thừa kế hợp pháp theo di chúc hoặc người được chuyển nhượng hợp pháp.

 

Tuy nhiên, mẹ bạn thuộc những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, nếu bố bạn để lại di chúc không chia di sản cho mẹ thì bà vẫn được hưởng hai phần ba của một suất thừa kế theo pháp luật, phần này được rút từ phần di sản đã chia cho anh em nhà bạn.

 

- Nếu bố bạn mất không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì tổng di sản bao gồm cả căn nhà sẽ được chia theo pháp luật bằng cách chia đều cho những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

Nếu vẫn còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì mẹ bạn có thể khởi kiện đòi phần di sản mà mình được hưởng.

 

Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

 

"1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

 

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

 

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

 

Theo quy định, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng

 

Trong mối quan hệ giữa con với cha mẹ, Điều 111 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ như sau: "Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

 

Như vậy, nếu mẹ bạn không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì nghĩa vụ cấp dưỡng bắt buộc theo pháp luật mới đặt ra. Anh em bạn phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ bạn; người nào ở cùng với mẹ bạn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ, những người không sống cùng phải hỗ trợ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Trường hợp bạn cố tình trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, mẹ bạn “có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”, theo quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

 

Nghị định số 67/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự,… không quy định trực tiếp biện pháp xử phạt đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên hành vi này được quy định chung tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 67/2015/NĐ - CP. Theo đó, hành vi “không thực hiện công việc phải làm… theo bản án, quyết định” của tòa án có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

 

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 152 Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo