LS Vy Huyền

Tư vấn về hạn chế quyền thăm nuôi con của chồng sau khi ly hôn?

Luật sư tư vấn về vấn đề: Hạn chế quyền thăm nuôi con của chồng sau khi ly hôn giải quyết như thế nào?

 

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư. Tôi có một số vấn đề thắc mắc về quyền của người trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng sau ly hôn. Mong luật sư quan tâm tư vấn giúp.Tôi kết hôn vào tháng 5.2016, sinh em bé vào tháng 7.2016.Tôi sinh năm 1980 và kết hôn lần đầu. Tôi hiện đang công tác tại một trường cao đẳng, trình dộ thạc sỹ, thu nhập trung bình 8tr/tháng, hiện đang thuê nhà trọ. Nguyên chồng tôi kinh doanh tự do, môi giới bất động sản, thu nhập không rõ (tôi chưa từng được biết những khoản thu nhập cố định hay bất thường), trình độ trung cấp, đã ly hôn một lần vào năm 2008, có con riêng sống cùng vợ cũ. Nguyên chồng tôi là người ăn chay trường, thời gian quen nhau tôi đc biết là rất hay dùng tiền làm từ thiện, nhưng lại ham mê cá độ mọi thứ qua mạng(mỗi lần thắng thua lên tới vài chục hoặc vài trăm triệu), tôi có chứng cứ cho việc này. Từ khi kết hôn, có em bé, chúng tôi sống độc lập tài chính, chồng chủ yêu sống cùng mẹ già ở quê, tôi và con nhỏ ra sống đi làm ở đà nẵng. Tháng 6.2018, chồng tôi đưa đơn thuận tình ly hôn lên toà án huyện với lý do: thiếu trách nhiệm với vợ con, toà án tư vấn chuyển thành đơn kiện ly hôn (để thoả thuận giải quyết cho nhanh vì thực tế nguyên nhân của việc ly hôn này là do tôi ko chịu ký hồ sơ vay tiền trả nợ nóng cho anh ấy), tôi vì xót con (cháu rất thương ba) nên ko muốn ký vào hồ sơ ly hôn nhưng chồng tôi nhiều lần doạ đưa con bé đi khỏi nên tôi đã đồng ý ký. Quyết định ly hôn có từ cuối tháng 9.2018, nội dung: tôi được quyền trực tiêp nuôi con, người cha có quyền và nghĩa vụ chăm mom, giáo dưỡng không ai được ngăn cản. Tôi không đề nghị chu cấp tiền nuôi dưỡng hằng tháng (vì hiện nay anh ấy đang thiếu nợ, phải sống mỗi nơi một ít để lánh mặt). Từ khi ly hôn đến nay, anh ấy luôn nhắn tin đòi đón con ở trường để đưa đi chơi, về khách sạn ở, tôi có trình bày rằng con bé còn nhỏ quá, buổi tối không thể ngủ bên ngoài mà không có mẹ, và cũng muốn con được yên ổn ở trường (tôi gửi bé vào lớp trẻ tại một trường mẫu giáo công lập gần nhà để tiện đưa đón). Nhưng gần như ý kiến của tôi ko được chấp nhận, nếu anh ấy muốn đưa con đi, tôi dù có không đồng ý cũng phải làm theo lời vì anh ấy hay nổi nóng, mắng nhiếc, đe doạ sẽ đưa con bé đi luôn (anh ấy chưa đánh đập gây thương tích với tôi nhưng doạ nạt khủng bố tinh thần vào bất cứ lúc nào muốn). Thời gian gần đây anh ấy thuê nhà trọ cách chỗ tôi và trường bé học khoảng 7 km, ban ngày đi chơi cờ, tầm 6g tối là bắt đầu tới chỗ tôi trọ (tôi thuê nhà trọ cùng chị và cháu gái 4 tuổi), đòi bồng con đi chơi buổi tối, nếu tôi ko đồng ý thì lại gây phiền hà(chê nhà tanh hôi, nhà có 2 trẻ nhỏ và ăn mặn, trong khi anh ấy ăn chay nên ko thích nghi đc), tôi có nói ko thích thì đừng tới vì đi làm cả ngày ai cũng mệt càn được nghỉ ngơi thì lại nói sao dám sỉ nhục khi anh tới thăm con.Tuần trước, chiều thứ 6, anh ấy ép đưa con bé tới nhà trọ của anh để ở lại, tôi ko muốn con bé ngủ lại đêm mà ko có mẹ nên đánh liều đi theo con. Thứ 6 tuần này (hôm qua), anh cũng lại đòi đón bé ở trường và đưa đi, tôi ko đồng ý vì con bị cảm, trời lại mưa lạnh (khi chở con bằng xe máy thì cho con ngồi đằng trc), tôi lo ngại an toàn cho bé nhưng lại ko thể thuyết phục anh dời qua sáng thứ 7 được nên đành gọi cho cô giáo nói để bé mẹ tới đón, khi tôi chạy tới thì anh hùng hổ xông ra xỉ tay lên mặt tôi quát "mi muốn gây chuyện à" rồi chạy vào lớp con quát nạt cô giáo và cô bảo vệ....Bản thân tôi không hề ngăn cản việc anh tới thăm chơi cùng con, nhưng vì anh ấy chưa hề sống chăm sóc con được một ngày nào trọn vẹn (từ khi kết hôn đến bây giờ tổng thời gian anh ở với mẹ con tôi khoảng chừng được 2 tháng, bao gồm cả tết), phần lớn là những chuyến đi xa vào sgon rồi ghé lại qua đêm trước khi về nhà mẹ ở quê. Tôi hoan toàn ko yên tâm khi giao con bé cho anh ấy, thương con, chơi đùa với con nhiều nhất là 1 giờ rồi cũng cầm máy tính bảng lên chơi cờ mặc con bé làm gì tuỳ thích. Sau sự việc gây gỗ doạ nạt các cô giáo ở trường, anh về có nói "từ tuần tới cấm ko cho con bé đi học ở trường đó nữa, cãi lời là có chuyện liền đó", tôi nói nếu tôi ko đồng ý, vẫn đưa con đi học vì con bé đã quen bạn quen cô, học chơi vui vẻ ở đó rồi và cũng gần tiện cho mẹ đưa đón thì anh nói ko cần biết, ko học được thì ở nhà, nếu cãi thì sẽ tới phá quậy trường ko để yên ổn trước sau gì cũng đuổi học con thôi.Tôi cảm thấy bất lực, là người cầu toàn ko muốn liên luỵ tới ai, và cũng thương con vì con bé quyến luyến cha nhiều lắm. Nhưng càng ngày thái đôn của anh càng hằng học dữ tợn, anh nói sẽ không đánh đập tôi nhưng sẽ ko để mẹ con tôi yên ổn ngày nào hết. Vậy cho hỏi với những gì tôi vừa kể ra, có cách nào ngăn chặn hay giảm bớt sự can thiệp của anh lên đời sống của mẹ con tôi hay ko, tôi có được quyền quyết định nơi ăn học của con gái tôi hay ko, tôi ngăn cản anh đưa con bé ngủ qua đêm bên ngoài ko có mẹ có đúng ko? Tôi đã nghĩ tới việc viết đơn khiếu nại về quyền hạn của anh, giới hạn thời gian thăm mom đối với con bé. Thực sự thời gian gần đây tôi bị khủng hoảng tinh thần mỗi khi anh ấy nhắn tin hay tới bất ngờ, anh ấy nói mượn tiền chuộc xe đã cầm cố tôi ko thể ko đưa, tôi luôn sợ anh đưa con bé đi khỏi tôi nên nói gì tôi cũng kháng cự yêu ớt rồi lại làm theo. Tôi thật sự bất lực.

Hỏi: Mong luật sư cho tôi lời khuyên và chỉ cho tôi cách để thoát ra khỏi tình trạng này.Cảm ơn chân thành. 

 

Trả Lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

 

Về vấn đề hạn chế quyền thăm nom con của chồng bạn: chồng bạn cũng có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà bạn không được cản trở, nhưng nếu lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng bạn theo quy định tại khoản 3 điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:

 

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì chồng cũ của chị có những hành vi lạm dụng việc thăm nom con để gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Cụ thể, chồng chị đã cản trở, gây ảnh hưởng xấu đến việc vui chơi, học tập của con tại trường; có hành vi gây rối, ảnh hưởng đến cuộc sống của chị và con;... Do đó, chị có thể gửi đơn ra Tòa án để yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con của chồng cũ.


Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền của chồng bạn với con trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 85 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:

“Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

 

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

 

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
 

b) Phá tán tài sản của con;
 

c) Có lối sống đồi trụy;
 

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
 

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này”.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến - 1900.6169 của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
Phòng Luật sư tư vấn hôn nhân gia đình - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo