LS Vy Huyền

Tư vấn về giành quyền nuôi con

Nội dung tư vấn. Chị gái tôi năm nay 28 tuổi, kết hôn đươc 2 năm, hiện chị tôi có 1 cháu trai được 19 tháng. Gần đây chị tôi phát hiện chồng ngoại tình, anh ta đã ngoại tình mà còn công khai khiến chị tôi rất buồn, mặc dù chị tôi đã nói chuyện làn mọi cách để giải quyết nhằm cứu vãn cuộc hôn nhân này nhưng anh ta vẫn không từ bỏ được cô người yêu đó.

Chị tôi muốn li dị và giành quyền nuôi con liệu có khả năng không vì anh ta làm trong công ti của nước ngoài, công việc lại ổn định, lương cao, tuy nhiên vì tính chất công việc nên phần lớn anh ta phải ở chỗ làm đến tối mới về. còn chị tôi từ khi sinh con thì ở nhà, chưa có việc làm ổn định. Tuy nhiên chi tôi đang chuẩn bị mở 1 cửa hàng nhỏ bán hoa và dịch vụ trang trí tổ chức sự kiện và các dịch vụ khác kèm theo. Luật sư có thể tư vấn cho chị tôi trong trường hợp này được không? Vì qua tìm hiểu tôi được biết con dưới 36 tháng thì mẹ được nuôi, tuy nhiên về điều kiện kinh tế thì chị tôi không có thu nhập vì sau khi sinh chị tôi chưa kiếm được việc làm. 

Chị tôi nếu li hôn vào thời điểm này liệu có thuận lợi để giành quyền nuôi con không? Vì cả 2 vợ chồng đều muốn giành quyền nuôi con. Khả năng chị tôi giành được quyền nuôi con chiếm bao nhiêu %? Mong luật sư tư vấn giúp ạ. Xin cảm ơn.

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia xin tư vấn cho bạn như sau:

Đúng như bạn đã tìm hiểu thì theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Về việc giành quyền nuôi con, có hai cách sau đây:

Cách 1: Vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau để vợ hoặc chồng là người trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc con và người kia có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên theo như bạn trình bày thì cách này không khả thi.

Cách 2: Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp nuôi con thì có thể yêu cầu Tòa án quyết định người được trực tiếp nuôi con.

Về nguyên tắc, việc ai là người nuôi con sau khi ly hôn có thể được các bên đương sự (vợ, chồng) tự thỏa thuận với nhau và được tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tùy theo điều kiện kinh tế hoặc theo thỏa thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.

Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần và phải xem xét đến nguyện vọng của con muốn được sống trực tiếp với ai để quyết định việc trao quyền nuôi con cho vợ hoặc chồng.

Cụ thể Tòa án sẽ xem xét một cách tổng hợp trên 3 phương diện sau đây để quyết định việc trao quyền nuôi con cho vợ hoặc chồng:

1) Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

2) Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.

3) Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).

Do đó, từ những thông tin bạn cung cấp, có thể rút ra một số điều sau:

- Theo đúng quy định pháp luật, con của chị bạn sẽ được chị bạn trực tiếp nuôi do chưa đủ 36 tháng, nếu không có thỏa thuận khác. Chị của bạn cần chứng minh trước Tòa rằng mình có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Mặc dù sau khi sinh chị bạn chưa có việc làm nhưng bay giờ chị đang chuẩn bị mở 1 cửa hàng nhỏ bán hoa và dịch vụ trang trí tổ chức sự kiện và các dịch vụ khác kèm theo. Điều này có thể là sự cam kết về mặt kinh tế để chị bạn có quyền nuôi con.

- Mặc dù chồng bạn có khả năng lớn về kinh tế nhưng lại không có thời gian dành cho gia đình. Mà con của chị bạn đang còn nhỏ. Đây là một lợi thế khi giành quyền nuôi con khi chị bạn có thể đáp ứng được “các yếu tố về tinh thần” cho con mình. Chưa kể đến việc người chồng đã ngoại tình một cách công khai, gián tiếp làm giảm trách nhiệm chăm lo cho gia đình.

- Tuy nhiên tại thời điểm này, chị bạn vẫn chưa có đủ khả năng kinh tế nên khả năng được nuôi con khá thấp. Chị bạn chỉ có thể cung cấp được về các yếu tố tinh thần cho con và điều này là chưa đủ. Do vậy chị bạn nên đợi đến khi có nguồn thu nhập ổn định rồi mới tiến hành ly hôn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về giành quyền nuôi con. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo