Nông Bá Khu

Tư vấn về chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân

Chào luật sư, cho em hỏi về chia tài sản vợ chồng như sau: Nhà em đang ở hiện giờ sổ đỏ do ba em đứng tên mà ba em đã bỏ đi được 7 năm nay rồi. Nay anh trai em muốn ba em về sang tên sổ đỏ qua cho anh mà ba em không chịu! Ba với mẹ em sống với nhau từ xưa giờ không có giấy kết hôn.

Của cải xưa giờ là của ngoại em cho, mẹ em mới mua đất cất nhà trong quá trình mẹ em ở tù ba em ở nhà bán hết đất, cái nhà cũng cầm luôn, nhờ mợ em đứng ra chuộc lại cho mẹ ra tù có chỗ ở. Khi mẹ em về thì cãi vã ba em đi đến bây giờ. Mà hiện tại khu đất nhà em đang giải tỏa. Công ty có thể giúp em đường đi cách làm như thế nào dể ba em chịu sang tên hay cách nào để giành quyền lợi cho mình. Em xin cám ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo Mục 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình có quy định như sau:

"b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;

c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết".

Như vậy, do bạn chỉ cung cấp thông tin về việc bố mẹ bạn không đăng kí kết hôn mà không nói rõ việc bố mẹ bạn chung sống với nhau từ thời điểm nào, nhưng căn cứ vào quy định trên thì nếu bố mẹ bạn chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987 mà có đủ các điều kiện đăng kí kết hôn theo pháp luật nhưng không đăng kí kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Theo Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau.

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc quy định tại Điều 59 của Luật này”.

Như vậy, nếu cha mẹ bạn vẫn đủ điều kiện được pháp luật công nhận là vợ chồng thì mẹ bạn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Còn nếu cha mẹ bạn không đủ điều kiện được pháp luật công nhận là vợ chồng thì chia thành các trường hợp sau.

Trường hợp thứ nhất: Nếu ngoại bạn cho đất là cho hai vợ chồng cha mẹ bạn thì cả mẹ bạn và cha bạn đều là đồng chủ sở hữu dù cha bạn đứng tên trong sổ đỏ. Chia tài sản trong trường hợp này được quy định tại Bộ luật dân sự như sau.

“1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.

2. Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

Về nguyên tắc việc chia tài sản thuộc sở hữu chung chỉ được thực hiện đối với tài sản thuộc sở hữu chung theo phần và tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất có hể phân chia, người có quyền yêu cầu chia tài sản thuộc sở hữu chung bao gồm chủ sở hữu chung, người có quyền yêu cầu một trong số các chủ sở hữu thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Việc chia tài sản thuộc sở hữu chung thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của các chủ sở hữu chung. Nếu tài sản là hiện vật không thể chia được, thì trị giá thành tiền để chia.

Trường hợp thứ hai: Nếu ngoại bạn cho riêng cha bạn thì trường hợp này tài sản đó là tài sản riêng thuộc sở hữu của cha bạn và chỉ cha bạn mới có quyền định đoạt.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo