Nguyễn Văn Cảnh

Tư vấn về cấp dưỡng cho con cái sau ly hôn và phân chia tài sản

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định pháp luật. Khi vợ chồng ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định pháp luật để đảm bảo con được sống và phát triển trong điều kiện tốt nhất có thể.

Nội dung đề nghị tư vấn: Thưa luật sư, giải đáp giúp tôi thắc mắc về chia tài sản, cấp dưỡng cho con cái khi ly hôn như sau: Tôi và chồng ly hôn cuối năm 2011, tài sản nhà-đất thỏa thuận để lại cho hai con. Chồng tôi có trách nhiệm đóng tiền (1 tháng đóng 1.000.000 đ cho 2 bé) cho tôi nuôi con nhưng chồng tôi không thực hiện nghĩa vụ đó. Bây giờ đòi chia đôi nhà, tôi không đồng ý vì nhà để cho con có chỗ ở để học hành (bé lớn 13 tuổi, bé nhỏ 9 tuổi).

Bây giờ chồng tôi viết bản cam kết cá nhân để lại toàn bộ nhà-đất cho tôi và 2 con toàn quyền sở hữu và định đoạt phần tài sản này (với điều kiện tôi giao cho ông 50 triệu đồng, sau này ông không còn khiếu kiện và không còn quyền lợi gì trong phần tài sản này nữa, nếu sai ông sẽ chịu phán quyết và bồi thường thỏa đáng trước pháp luật). Vậy sau khi tôi giao 50 triệu cho chồng tôi, nếu sau này tôi không muốn bị chồng tôi làm phiền tới cuộc sống của mẹ con tôi nữa thì tôi bán nhà đất (sổ đỏ đứng tên tôi) để chuyển đi chỗ khác sống thì chồng tôi có quyền đòi chia tiền bán nhà đất đó không? Quy định chia tài sản trường hợp của tôi như thế nào? Mong luật sư tư vấn, tôi xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

* Về vấn đề cấp dưỡng cho con khi ly hôn:

Việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái là nghĩa vụ của cả hai vợ chồng ngay cả sau khi ly hôn. Do đó, nếu chồng bạn không cấp dưỡng cho con thì bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi tòa án nhân dân đã giải quyết ly hôn cho hai bạn tiến hành thi hành án. Điều 31 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định về việc tiếp nhận, từ chối đơn yêu cầu thi hành án như sau:

1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.

Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

e) Ngày, tháng, năm làm đơn;

g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.

* Về vấn đề thỏa thuận phân chia tài sản:

Pháp luật luôn tôn trọng quyền sở hữu tài sản và thỏa thuận của các bên. Do đó, các bạn có thể tự thỏa thuận việc nhận cũng như phân chia tài sản. Tuy nhiên, khi thỏa thuận phân chia, bạn cần lưu ý các điều khoản đồng thời mang văn bản đó đi công chứng hoặc chứng thực để có căn cứ pháp lý bảo bảo vệ quyền lợi cho bản thân trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo