Trần Tuấn Hùng

Tư vấn về án phí khi ly hôn và vấn đề cấp dưỡng

Vợ chồng em kết hôn đã 7 năm có một bé trai gần 5 tuổi từ khi cưới anh sống ở SG em thì ở VL, anh đã về VL đã 1 năm nay. Ở nhờ nhà của anh ruột tụi em có một mảnh đất 176m2 và 3 cây vàng tuy nhiên số vàng anh lấy để mua phân bò để bán. Từ khi cưới anh không hề đưa tiền cho em cũng như làm tròn trách nhiệm đối với vợ con. 27 tết anh đi nhậu lấy dao đòi chém hai mẹ con em chửi em toàn những lời thô bỉ. Em xin hỏi nếu em ly hôn thì phải đóng án phí bao nhiêu và mức trợ cấp nuôi con.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến cho Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, Luật Minh Gia xin được giải đáp như sau:

Tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí tòa án thì:

Án phí trong vụ việc ly hôn mà không có tranh chấp về tài sản thì mức án phí là 300 nghìn đồng.

Trường hợp có tranh chấp về tài sản thì mức án phí được xác định theo giá trị tài sản tranh chấp như sau:

+ Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch: Mức án phí là 300.000 đồng

+ Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch thì:

- Từ 6.000.000 đồng trở xuống: Mức án phí là 300.000 đồng;

- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: Mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp;

- Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: Mức án phí là 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng;

- Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: Mức án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng;

- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng;

- Từ trên 4.000.000.000 đồng: Mức án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Về vấn đề cấp dưỡng:

Tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

Như vậy, theo quy định tại Điều này thì sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Theo đó, nếu như con bạn được Tòa án giao cho bạn nuôi thì chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng sẽ do Tòa án quyết định căn cứ vào thu nhập thực tế của chồng bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về án phí khi ly hôn và vấn đề cấp dưỡng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo