Hoàng Thị Kim Lý

Tư vấn trường hợp chia tài sản sau khi ly hôn và có hành vi xúi giục người khác ly hôn

Tư vấn trường hợp: Trong tờ khai thì chị dâu yêu cầu chia tài sản là 2 chiếc xe wave & exiter mỗi người 1 chiếc, nhưng không nhắc đến mặt bằng nhà cửa, mặt bằng nuôi heo, heo dê bò trước khi anh 2 em đi làm để lại cho chị Dâu nuôi, hụi thì đã hốt.... rất nhiều chuyện chưa được khai rõ ràng nhưng tòa án họ nhận thụ lí. Giải quyết như thế nào?

Câu hỏi: Trước tiên xin chân thành cảm ơn tất cả các luật sư của cty !!! em có 1 số thắc mắc hỏi dùm ông anh 2 của em như sau: 

- Anh 2 em cưới chị dâu năm 2009,sinh con năm 2011, sau một thời gian chung sống thì 2 người làm ăn thua lỗ rồi nãy sinh mẫu thuẫn ko giải quyết được. anh 2 của em mới đi làm để kiếm tiền về trả nợ & nuôi con nuôi vợ. nhưng đi làm được 4 tháng thì chị dâu mới xuống tòa án nhân dân yêu cầu xin ly hôn (tháng 3 năm 2017).    

- Trong tờ khai thì chị dâu yêu cầu chia tài sản là 2 chiếc xe wave & exiter mỗi người 1 chiếc, nhưng trong tờ khai thì ko nhắc đến mặt bằng nhà cửa, mặt bằng nuôi heo, heo dê bò trước khi anh 2 em đi làm để lại cho chị Dâu nuôi ( trên 100tr nhưng chị dâu đã bán tât cả nói là được 10tr), hụi thì đã hốt.... rất nhiều chuyện chưa được khai rõ ràng nhung tòa án họ nhận thụ lí.   

- Trong quá trình chung sống thì 2 người ra riêng năm 2013 đến nay được hơn 4 năm. có nhà và mặt bằng nuôi heo ( của 2 người bỏ tiền ra làm) , nhưng chủ quyền đất đai là của Bà Mẹ Vợ. tòa án chia ra 2 vụ án : 1 là ly hôn,  2 là tranh chấp tài sản như vậy có đúng ko ? nếu tranh chấp như vậy liệu anh 2 của em có khả năng thắng kiện ko ?  vì bất động sản là của Bà Mẹ vợ?  

- Tòa án có viết vấn đề nợ chung 2 bên sẽ thỏa thuận sau. Vậy có đúng ko ? vì anh của em nuôi heo bị thua lỗ bao nhiêu thì ko biết nhưng chị dâu nói là 200tr, trong khi chị dâu là người quản lí tiền. bây giờ bắt buộc anh 2 của em phải trả, trong khi số nợ đó đã được Bà mẹ Vợ trả rồi trong lúc 2 người chưa có mâu thuẫn tới mức ly hôn. bây giờ bắt phải trả có đúng với pháp luật về tài sản ko thưa luật sư?  

- Trong quá trình chung sống có cô em vợ cứ kiếm chuyện chữi rủa làm cho 2 người ko yên ( có tuyên bố là tao cho 2 vc tụi mày ly dị tao mới chịu & rất nhiều lời lẽ ko hay ). bà Mẹ vợ của anh 2 mới chia tài sản cho cô em vợ này trước , nhưng vẫn chưa chia tài sản cho anh 2  & chị dâu trong quá trình chung sống . anh 2 & chị Dâu mới xây nhà cửa.... vv bây giờ cô em vợ này mới súi giục chị dâu ly dỵ khi anh 2 đi làm (trong đơn ko kê khai tài sản của vợ chồng, mà kê khai là nhà của bà mẹ vợ mặc dù ko có chung sống với mẹ vợ, anh 2 đi rồi rước bà Mẹ vợ về để cớ với chính quyền địa phương là nhà của bà mẹ vợ, có ý định chia nhà với chị Dâu 1 lần nữa). như vậy có phạm tội cố ý phá hoại hp gia đình, cố tình muốn chiếm đoạt tài sản ko thưa luật sư? anh 2 của em ko có ý lấy tài sản , nhưng giành phần cho con cái sau này có nơi ăn chốn ở,  chứ cô em vợ này đòi đập bỏ nhà 2 , 3 lần rồi.  

- Gia đình này có truyền thống ly hôn 3 đời đó là sự thật chứ em ko có mỉa mai, nên họ có kinh nghiệm , cái gì anh 2 em bỏ lại là họ bán hết . chỉ có cái nhà là ko bán được nên còn. chiếc xe lăn bánh được mà anh 2 em đứng tên là đòi chia, cái nhà mà lăn bánh được chắc đã kê khai trong tài sản của anh vc rồi. Kính mong các luật sư của cty luật hỗ trợ cho gia đình em lời khuyên tốt nhất,  em xin chân thành cảm ơn , chúc các luật sư sức khỏe. 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề anh đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này."

Theo thông tin anh đưa ra, trong tờ khai, chị dâu anh yêu cầu chia tài sản là 2 chiếc xe wave & exiter mỗi người 1 chiếc, nhưng không nhắc đến mặt bằng nhà cửa, mặt bằng nuôi heo, heo dê bò trước khi anh trai anh đi làm để lại cho chị Dâu nuôi ( trên 100tr nhưng chị dâu đã bán tất cả và nói là được 10tr), hụi thì đã hốt.... và còn nhiều việc hay tài sản chưa được khai rõ ràng nhưng tòa án nhận thụ lí. Dựa trên nguyên tắc trên, tài sản chung của vợ chồng sẽ chia đôi, tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc sự thỏa thuận của hai bên nên những tài sản chưa được nêu trong tờ khai của chị dâu anh sẽ do 2 vợ chồng của anh trai anh thỏa thuận; trừ trường hợp không thỏa thuận thì hai bên khởi kiện tranh chấp tài sản sau ly hôn lên tòa án. Do đó việc Tòa án chia ra là 2 vụ án: ly hôn và tranh chấp tài sản là phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chúng tôi không thể khẳng định phía anh trai anh có khả năng thắng kiện hay không. Điều này phụ thuộc vào những chứng cứ của hai bên đưa ra để chứng minh phần đất đai và phần nợ là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên đối với mảnh đất vợ chồng của anh trai anh đang ở thuộc sở hữu của mẹ vợ của người anh trai thì khi ly hôn, tài sản này vẫn thuộc sở hữu của người đó và không liên quan đến việc chia tài sản của vợ chồng.

Thứ hai, về hành cưỡng ép người khác ly hôn.

Theo thông tin anh đưa ra, chúng tôi xin phân tích điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 để anh và gia đình của anh trai anh hiểu rõ hơn quy định như sau:

"Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm."

=> Các yếu tố cấu thành tội phạm

* Chủ thể thực hiện hành vi: chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

* Mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi phạm tội

Người phạm Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện có thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn trái với sự tự nguyện của họ là thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với nguyện vọng của họ.

Về hành vi cưỡng ép người khác trong tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện cũng tương tự như hành vi hành hạ, cưỡng ép trong một số tội phạm chỉ khác nhau ở mục đích của người phạm tội. Người bị hành hạ, cưỡng ép chủ yếu là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp giữa người phạm tội với người bị hành hạ, cưỡng ép không có mối quan hệ lệ thuộc.

Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội với người bị hành hạ là lệ thuộc về vật chất, về tinh thần. Mối quan hệ này, bắt nguồn quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ với các con, ông bà với các cháu), quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi với con nuôi, người đỡ đầu với người được đỡ đầu), quan hệ công tác ( thủ trưởng với nhân viên ), quan hệ thầy trò, quan hệ tôn giáo, quan hệ giữa người làm công với chủ, nhất là đối với một số nhà hàng khách sạn tư nhân… Tuy nhiên, người bị hành hạ trong tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ chủ yếu bắt nguồn từ quan hệ huyết thống.

Cưỡng ép là cưỡng bức và ép buộc người khác phải làm theo ý mình; đối với hành vi cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn trái với sự tự nguyện của họ, tính chất của và mức độ nguy hiểm của hành vi chỉ giới hạn ở chỗ hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần mà chưa trực tiếp xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người bị cưỡng ép.

- Cản trở người khác kết hôn hoặc ly hôn tự nguyện là ngăn cấm không cho nam và nữ kết hôn hoặc ly hôn với nhau mặc dù họ có đủ điều kiện kết hôn, ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Hành vi cản trở kết hôn, ly hôn cũng có thể được thực hiện bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc thủ đoạn khác, nhưng chủ yếu bằng thủ đoạn yêu sách của cải (thách cưới, đặt điều kiện rất khó thực hiện để cản trở việc kết hôn của hai người nam và nữ hoặc giữ giấy tờ ngăn cản việc ly hôn…). Trong điều kiện xã hội ngày một văn minh, thì hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ lại bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn trước, ngay việc yêu sách của cải cũng không còn trắng trợn, mang tính chất phong kiến như trước, mà nó tinh vi, khó nhận thấy.

- Cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyên, tiến bộ là tìm mọi cách chấm dứt quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đang tồn tại. Nếu ở hai hành vi trên, người phạm tội tìm mọi cách ngăn cấm kết hôn, thì ở hành vi này người phạm tội lại tìm cách phá vỡ quan hệ hôn nhân đang tồn tại, hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ có thể dẫn đến quan hệ hôn nhân tan vỡ, nhưng cũng có thể quan hệ hôn nhân đó không bị tan vỡ nhưng cũng làm cho cuộc sống chung vợ chồng xáo trộn.

Tất cả hành vi các hành vi cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn cản trở người khác kết hôn, ly hôn cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ nếu chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này thì chưa cấu thành tội phạm. Dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng là dấu hiệu để phân biệt hành vi phạm tội với hành vi vi phạm.

b. Hậu quả của hành vi: những thiệt hại về vật chất, tinh thần mà người phạm tội gây ra cho người khác và cho xã hội. Hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ có thể gây ra một trong những thiệt hại sau

  • Làm cho việc kết hôn, ly hôn trái với sự tự nguyện của một bên hoặc cả hai bên nam và nữ;

  • Làm cho việc kết hôn, ly hôn tự nguyên tiến bộ không thực hiện được;

  • Làm cho quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ không được duy trì, bị tan vỡ

  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích;

  • Gây ra dư luận xấu trong xã hội ảnh hưởng xấu đến chính sách của Đảng và Nhà nước về các quyền của công dân, nhất là đối với chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, không có ý nghĩa trong việc xác định hành vi phạm tội nhưng có ý nghĩa trong việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt, nếu hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả thì người phạm tội sẽ phải chịu một hình phạt nặng hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả.

* Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện thực hiện hành vi của mình do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện của họ, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Đối với tội cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyên, tiến bộ người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

* Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là sự tự nguyện của nam và nữ khi kết hôn và việc duy trì hôn nhân tự nguyện tiến bộ theo Luật hôn nhân và gia đình.

Như vậy, với sự phân tích trên, chị dâu của anh nộp đơn ly hôn với ý chí hoàn toàn tự nguyện, không có sự cưỡng ép hay ép buộc ở đây. Do đó không thể tố cáo người em dâu với tội nêu trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo