Nguyễn Thu Trang

Tư vấn thủ tục ly hôn với người bị bệnh tâm thần

Xin chào luật sư, tôi muốn đơn phương xin ly hôn thì thủ tục làm như nào và muốn được biết ai sẽ được quyền nuôi con. Sự việc của tôi như sau. Vợ chồng tôi cưới nhau được 16 tháng, cưới xong chúng tôi có em bé luôn, hiện nay cháu được 6 tháng tuổi, khi quen và cưới nhau tôi vẫn biết vợ mình chỉ không được nhanh nhẹn hoạt bát như người bình thường đến sau khi sinh cháu được khoảng 1 tháng vợ tôi trở nên thần kinh không tốt.

Tôi và gia đình đã đưa đi chữa trị ở khoa tâm thần ở 1 bệnh viện lớn nhưng tình trạng không tốt lên mà còn có dấu hiệu nặng thêm. Sau này tôi mới tìm hiểu và biết được là vợ đã có bệnh đó sẵn và giấu tôi cùng gia đình tôi với ý định kiếm một đứa con hợp pháp. Tôi là người sống rất biết trước biết sau nhưng sau khi biết được ý định đó tôi mới ngã ngửa ra. Tôi không thể sống với một người tâm thần và cả nhà họ giả tạo lừa lọc như vậy. Tôi mong luật sư tư vấn giúp thủ tục ly hôn và  quyền nuôi con trong khi vợ bi bệnh tâm thần. Mong luật sư sớm tư vấn. Tôi xin chân thành cám ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quyền yêu cầu ly hôn:

Theo quy định tại điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định về quyền yêu cầu ly hôn như sau:

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, theo quy định này thì hiện tại bạn không có quyền yêu cầu ly hôn bởi vì vợ bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong trường hợp này chỉ vợ bạn mới có quyền yêu cầu ly hôn. Còn nếu bạn muốn ly hôn thì phải chờ khi con bạn từ đủ 12 tháng tuổi trở lên, lúc này bạn có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn.

Thứ hai, về thủ tục ly hôn:

Hồ sơ cần chuẩn bị

– Đơn xin ly hôn;

–  Giấy đăng ký kết hôn; 

– Chứng minh thư nhân dân/ Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng của vợ, chồng, của người làm đơn xin ly hôn bản sao, công chứng;

–  Giấy khai sinh của con chung bản sao, công chứng;

–  Sổ hộ khẩu gia đình bản sao, công chứng/ Giấy xác nhận tạm trú bản sao, công chứng;

–  Giấy xác nhận mâu thuẫn vợ chồng;

–  Gửi kèm tài liệu nêu trên là giấy tờ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp như:

+  Giấy xác nhận vợ/ chồng bị bệnh tâm thần hoặc quyết định của tòa án tuyên vợ/ chồng bị mất năng lực hành vi dân sự;

+  Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trầm trọng,….(Xác nhận của địa phương, của gia đình) mà người yêu cầu thu thập được.

Như vậy, nếu bạn yêu cầu ly hôn do vợ bạn bị bệnh tâm thần thì cần phải có giấy xác nhận vợ bạn bị tâm thần để cung cấp cho tòa án, hoặc bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ bạn bị mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ ba, về quyền nuôi con sau khi ly hôn:

Theo quy định tại khoản 3 điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, trong trường hợp của bạn nếu con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ nuôi trừ khi bạn và vợ có thỏa thuận khác hoặc bạn có chứng cứ chứng minh vợ bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như là có giấy xác nhận vợ bạn bị tâm thần không đủ tỉnh táo để trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục con thì lúc này bạn mới có quyền nuôi con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn thủ tục ly hôn với người bị bệnh tâm thần. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo