Hoài Nam

Tư vấn thủ tục khởi kiện đòi quyền nuôi con sau khi ly hôn

Xin chào quý công ty! Tôi năm nay 27 tuổi, tôi lấy chồng năm 2009 và có 2 đứa con chung. Do mâu thuẫn vợ chồng không thể giải quyết (chồng tôi đánh đập hành hạ, ngược đãi, xúc phạm gia đình người thân của tôi) nên chúng tôi đã ly hôn năm 2013 theo giấy thuận tình ly hôn, với điều kiện 2 bên tự thoả thuận trao đổi vè quyền nuôi con.

Ban đầu tự thoả thuận là trên giấy anh ta sẽ nuôi cả 2 đứa nhưng ngày nào tôi cũng được đến đón về và chăm sóc. Nhưng khi toà vừa gửi giấy quyết định thì nhà anh ta lật mặt, ngăn cấm mọi quyền nuôi con của tôi. Rồi nói xấu tôi, nhồi nhét vào đầu 2 đứa trẻ. Thậm chí có lần tôi làm mọi cách để gặp cháu thì anh ta đã đi cùng mấy người nữa lên nhà ném gạch đá vào nhà tôi. Tôi do tuổi đời khá trẻ còn chưa hiểu chuyện nên cũng phải theo. Rồi hiện tại tôi phát hiện ra lúc ly hôn anh ta có làm việc riêng với thẩm phán để tôi gặp khó khăn trog việc đòi lại quyền nuôi 1 đứa. Bây giờ tôi muốn nộp đơn khởi kiện đòi lại quyền nuôi con, hi vọng công ty có thể xem xét, tư vấn hoặc làm việc với tôi để tôi có thể đòi lại được quyền nuôi cháu bé.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Theo như bạn trình bày thì Tòa án đã xét xử  giải quyết ly hôn và giao con cho chồng bạn nuôi con và bản án đã có hiệu lực pháp luật nên để bạn đòi quyền nuôi con từ chồng bạn, bạn phải khởi kiện một vụ án mới.

 

Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:

 

"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

 

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

 

a) Người thân thích;

 

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

 

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

 

d) Hội liên hiệp phụ nữ."

 

Vì vậy, để có thể được giành quyền nuôi con, bạn cần có chứng cứ chứng minh chồng bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (về sức khỏe, học tập, tinh thần...) và bạn có đủ điều kiện để đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt cho con hơn chồng bạn thì Tòa sẽ căn cứ vào đó xem xét để ra phán quyết.

 

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về nuôi con thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Nên để tiến hành thủ tục khởi kiện đòi quyền nuôi con, bạn phải gửi đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi chồng bạn đang cư trú. Bạn có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: Thủ tục khởi kiện đòi quyền nuôi con sau khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo