Vũ Thanh Thủy

Tư vấn ly hôn khi chồng sính sống và làm việc tại Đức

Xin chào các anh các chị, cho em hỏi về vấn đề ly hôn khi một bên đang sống, làm việc tại nước ngoài như sau: Em đang sinh sống tại Nước ngoài. Năm 2013 em và chồng em có làm thủ tục kết hôn tại lãnh sự quán VN tại Nước ngoài.

 

Sau mấy năm chung sống không hoà hợp nên hiện giờ bọn em đang muốn thuận tình ly hôn. Bọn em chưa có con cái và tài sản gì chung hết. Hiện giờ chồng em đang làm chủ nhà hàng có thu nhập cao nên nếu tiến hành thủ tục ly hôn ở nước Đức này sẽ phải trả rất nhiều tiền phí cho luật sư và toà án. Vì vậy em muốn hỏi là nếu bọn em tiến hành thủ tục ly hôn ở VN thì có đc không ạ? Nếu được mà chỉ một mình em về để giải quyết công việc thì có được không hay phải cả hai cùng về? Và văn phòng luật của các anh chị có lo giải quyết cho em được không? Cần những thủ tục giấy tờ gì ? Em xin cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết

 

Căn cứ theo Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

 

Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

 

1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

 

2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

 

3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

 

Ngoài ra tại điểm d khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

 

Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

 

1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

...

d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

 

Theo như thông tin bạn cung cấp chưa nói rõ bạn hoặc chồng bạn mang quốc tịch Việt Nam nên nếu chỉ cần 1 trong hai vợ chồng bạn là công dân Việt Nam và có đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết ly hôn trong trường hợp này là Tòa án Việt Nam.

 

Thứ hai, thủ tục giải quyết ly hôn chỉ có một bên có mặt

 

Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

 

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

 

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

 

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

 

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

 

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

 

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

...

Như vậy, nếu chồng bạn ở bên Đức vì lý do công việc không thể về Việt Nam giải quyết được thì có thể viết đơn đề nghị xét xử vắng mặt gửi về Việt Nam thì trường hợp này tòa có thể giải quyết vắng mặt chồng bạn.

 

Thứ ba, thủ tục để giải quyết ly hôn

 

Trong trường hợp này có thể hiểu hai bạn thuận tình ly hôn thì hồ sơ gồm có:

 

+   Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn (theo mẫu/mẫu của Tòa án);

 

+   Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

 

+   Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân của vợ/chồng (bản sao chứng thực);

 

+   Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);

 

+   Các tài liệu, giấy tờ chứng minh khối tài sản chung;

 

Về thẩm quyền:

 

+ Về thẩm quyền theo cấp: Căn cứ theo Điều 29 và Điều 33 về thẩm quyền của Tòa án đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

 

+ Về thẩm quyền theo lãnh thổ: Căn cứ theo điểm h Khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015 thì tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo