Triệu Lan Thảo

Ly hôn có yếu tố nước ngoài khi bị đơn vắng mặt

Em chào luật sư! em cần tư vấn về ly hôn có yếu tố nước ngoài, chồng em là người Mỹ, chúng em cưới nhau được hơn 2 năm,chưa có con và tài sản chung, sau khi về đây cưới em thì anh ta không quay lại Việt Nam thêm lần nào nữa, anh ta cũng giấu giấy tờ và nơi cư trú không cho em li dị, em muốn li dị nhưng lại không có giấy tờ thì phải làm sao ạ? tốn bao nhiêu tiền, bao nhiêu lâu ạ? Em cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp ly hôn

Trong vụ án ly hôn này xác định được hai người đã đăng ký kết hôn tạo Việt Nam, đây là cơ sở để Tòa án Việt nam giải quyết ly hôn theo quy định Khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

"Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

...

d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;”

Ngoài ra, tại Điều 37 và Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

...

Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu

“1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

…"

Như vậy, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú có thẩm quyền giải quyết.

Thứ hai, về việc xác định địa chỉ cư trú của bị đơn

Điều 473 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về yêu cầu cung cấp thông tin về nhân thân, xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài:

“1. Người khởi kiện, người yêu cầu phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự đó.

Trường hợp không ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài hoặc thiếu những nội dung trên thì phải bổ sung trong thời hạn do Tòa án ấn định, hết thời hạn đó mà không cung cấp được thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

2. Trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc yêu cầu Tòa án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lời cho Tòa án Việt Nam không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoặc sau 06 tháng mà không có trả lời thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.”

Trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự khi chồng bạn cố tình giấu giấy tờ và nơi cư trú ở nước ngoài của mình.

Về việc có mặt tại Tòa, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

"Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

...

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

...”

Như vậy, khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà chồng bạn nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không đến tham dự phiên tòa thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt chồng bạn, phiên tòa vẫn được tiến hành bình thường.

Thứ hai, là bạn phải nộp các chi phí tố tụng sau:

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 146. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí

“1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm…

...

Điều 147. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm

4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.

Điều 151. Tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài

1. Tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là số tiền mà Tòa án tạm tính để chi trả cho việc ủy thác tư pháp khi tiến hành thu thập, cung cấp chứng cứ, tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, triệu tập người làm chứng, người giám định và các yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.

2. Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước được yêu cầu ủy thác tư pháp.”

Thứ ba, là thời gian tiến hành xét xử

+ Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và ra quyết định thụ lý vụ án nếu không thuộc trường hợp phải trả lại đơn, chuyển đơn cho Tòa án khác có thẩm quyền và sử đổi, bổ sung đơn.

+  Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

+ Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

+ Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

+ Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất,đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, bị đơn không có yêu cầu phản tố nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Như vậy, thời gian tiến hành tố tụng sẽ từ 5 đến 8 tháng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo