LS Xuân Thuận

Tư vấn kết hôn giữa những người có họ với nhau

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Dạ! Thưa luật sư, luật sư cho em hỏi: em và người bạn trai em (P) yêu nhau được 6 tháng, nhưng gia đình cấm yêu vì lí do chúng em có quan hệ họ hàng với nhau như sau: ông nội của P là chú trong dòng họ của mẹ em, gọi là chú ở trong nhà thờ (không phải chú ruột).

Chúng em không thể tiếp tục nữa, mà tình cảm giữa em và P đang rất tốt và hiểu nhau rất nhiều, bất ngờ gặp tình huống như vậy, em rất hoang mang. Vậy thưa luật sư, chúng em có nên tiếp tục hay dừng lại ạ? Em muốn có câu trả lời chính xác nhất từ luật sư. Rất mong luật sư giải đáp cho em càng sớm càng tốt ạ! Xin chân thành cảm ơn luật sư!
 

Tư vấn kết hôn giữa những người có họ với nhau
Kết hôn


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Luật hôn nhân và gia đình quy định về điều kiện kết hôn như sau:

“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
…….
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”

Luật hôn nhân và gia đình giải thích tại khoản 17 và 18 Điều 3: Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Bạn đang lo lắng về trường hợp bạn và người yêu là những người có họ trong phạm vi ba đời hoặc có cùng dòng máu về trực hệ nên không đủ điều kiện kết hôn. Căn cứ vào quy định của pháp luật và so sánh với trường hợp của bạn: ông nội của người yêu bạn là chú trong dòng họ của mẹ bạn, gọi là chú ở trong nhà thờ (không phải chú ruột), thấy rằng: bạn và người yêu của bạn không thuộc trường hợp cấm kết hôn theo điểm d khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình: có họ trong phạm vi ba đời hoặc có cùng dòng máu về trực hệ.
Như vậy, nếu hai bạn đáp ứng được các điều kiện về độ tuổi kết hôn, ý chí tự nguyện và tình trạng sức khỏe theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình thì hai bạn có thể kết hôn và được pháp luật bảo vệ.

Gia đình bạn ngăn cấm hai bạn yêu nhau và kết hôn là vi phạm quy định cấm của Luật hôn nhân và gia đình: “cản trở kết hôn”. Bộ luật hình sự cũng quy định về Tội cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146). Như vậy, có thể thấy rằng Nhà nước luôn quan tâm, bảo vệ hôn nhân tiến bộ, tự nguyện và luôn khuyến khích người dân xóa bỏ những tập tục, quan điểm không phù hợp với pháp luật.

Theo quan điểm của chúng tôi, hai bạn nên giải thích rõ cho hai bên gia đình được biết về các quy định của pháp luật về vấn đề này để mọi người cùng hiểu rõ. Mong rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giải đáp được những thắc mắc của hai bạn.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo