LS Vy Huyền

Tư vấn đảm bảo quyền lợi của vợ khi chồng ngoại tình

Xin chào luật sư, cho tôi xin hỏi về vấn đề Đảm bảo quyền lợi của người vợ khi chồng ngoại tình, và chung sống như vợ chồng với người khác và ly hôn của bố mẹ tôi. 7 năm trước bố tôi ngoại tình và có con riêng với một người nhưng mẹ tôi tha thứ và đem đứa bé ve nuôi, trên giấy khai sinh là con bố mẹ tôi.

Nhưng gần đây mẹ tôi phát hiện bố tôi vẫn lén lút quan hệ với một người khác đã gần 10 năm. Mẹ tôi tức giận bỏ sang nhà khác gần 3 tháng và gần đây về nhà cũ lấy đồ thì phát hiện bố tôi dẫn một người đàn bà về nhà ở đã hơn 1 tuần. Có nhân chứng là người giúp việc và em trai tôi 7t. Oái ăm nhân tình mới là cô giáo dạy cấp 1 của em tôi. Trong trường hợp này tôi xin hỏi la có thể kiện bố tôi va người đàn bà kia tội phá hoại hôn nhân gia đình ko? Trong trường hợp ly hôn thì tài sản phân chia ra sao? Mẹ tôi vất vả làm ăn 3 mấy năm nay còn bố tôi chỉ cờ bạc rượu chè trai gái, hoàn toàn phó mặc chuyện làm ăn chăm sóc con cái cho mẹ tôi. Ngay cả thằng bé ko phải con mẹ tôi nhưng mẹ vẫn thương như con ruột va chăm sóc hết mực. Còn ả nhân tình trơ tráo kia làm cô giáo nhưng đạo đức để đâu khi dám ngang nhiên vào nhà ở khi vợ chồng vẫn chưa hề ly hôn, ả còn nói em tôi ko phải con ruột của mẹ tôi và yêu cầu bố tôi ly hôn để cưới cô ta. Thêm 1 chi tiết la cô ta vừa lấy chồng cuối tháng 4 chưa rõ ly hôn chưa. Xin luật sư tư vấn về phương pháp giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mẹ tôi. Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi, với vấn đề của bạn Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Thứ nhất: Có thể chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình.

Theo luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về các hành vi bị cấm trong đó có quy định cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Như vậy, bố của bạn và cô giáo kia đã vi phạm vào điều cấm trên (quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 5 Luật HNGĐ 2014).

Nếu mẹ bạn khởi kiện đối với hành vi “ngoại tình” trên:

Trường hợp thứ nhất: Chỉ bị xử phạt hành chính. Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp,hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá hoại doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thì bố bạn và nhân tình sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Trường hợp thứ hai: Bị xử lí hình sự. Hành vi chung sống như vợ chồng của bố bạn có thể bị xử lý về hình sự. Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật hình sự. Điều 147 Bộ luật Hình sự quy định: 

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
 
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tuyên hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
 
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự do Bộ Tư pháp - Bộ Công an - TANDTC - VKSNDTC ban hành, thì hành vi “chung sống như vợ chồng”: Là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
 
Tuy nhiên, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp:
 
- Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng, như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...
 
- Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong Điều 147 BLHS, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính (theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính nếu qua 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính), mà lại thực hiện chính hành vi đó, hoặc thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong điều luật.
 
-Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tuyên hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo khoản 2 Điều 147 BLHS.
 
Theo các quy định  chúng tôi vừa viện dẫn thì việc bố bạn có vợ, con nhưng vẫn lén lút quan hệ với một người khác thì có dấu hiệu của tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Tuy nhiên, nếu hành vi này chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bố bạn chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này thì chưa đủ căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bố bạn về tội này.
 
Thứ hai: đảm bảo lợi ích của mẹ bạn nếu mẹ bạn muốn ly hôn.

Theo quy định của luật hôn nhân gia đình 2014 thì mẹ bạn có thể nộp đơn xin toàn án giải quyết yêu cầu ly hôn, toàn án sẽ sắp xếp hòa giải ở cơ sở cho hai vợ chồng, nếu không thành thì tòa án sẽ thụ lý đơn li hôn theo luật tố tụng dân sự.

-Đối với trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên (nếu bố bạn không đồng ý ly hôn thì mẹ bạn có thể tự mình nộp đơn mà không cần có chữ ký của bố bạn trong đơn ly hôn) tuy nhiên chỉ áp dụng đối với các trường hợp

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
 
Như vậy, nếu mẹ bạn chứng minh được có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng. (về việc ngoại tình có chứng cứ cụ thể gửi kèm với đơn xin yêu cầu ly hôn)
 
-Tài sản khi ly hôn.

Theo luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về tài sản chung

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Như vậy, dù trong thời kỳ hôn nhân, bố bạn không chăm lo làm ăn, chỉ cờ bạc, gái gú không chăm sóc con cái thì khối tài sản mà mẹ bạn kiếm được vẫn là khối tài sản chung của hai vợ chồng.

-Chia tài sản chung

+ Bố mẹ bạn có thể thỏa thuận về chia tài sản chung và nộp thỏa thuận đó cho tòa

+Nếu không có thỏa thuận thì sẽ chia đôi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 để tòa xem xét
Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Thứ ba: Về quyền nuôi con
Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 về quyền, nghĩa vụ nuôi con, chăm sóc cho con sau khi ly hôn

"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."
 
Tuy nhiên, bạn có nói đứa bé 7 tuổi ở trên là con của bố bạn, chứ không phải là con của mẹ bạn nhưng trong giấy khai sinh lại là con của bố mẹ bạn. Vì bạn không nói rõ mẹ bạn có muốn nuôi đứa bé đó hay không nên chúng tôi chia trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Mẹ không muốn nhận đứa bé đó là con, mẹ bạn có thể yêu cầu tòa xin xác định con

“2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình –Điều 89 Luật HNGĐ 2014”
Sau khi xác định đứa bé đó không phải là con của mẹ bạn thì mẹ bạn không phải chịu bất cứ nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng nào sau khi ly hôn. Mà nghĩa vụ đó thuộc về cha đứa bé.

Trường hợp thứ hai: Mẹ bạn vẫn muốn nhận đứa bé đó là con, thì mẹ bạn không cần làm thủ tục xác nhận con, nếu ly hôn thì mẹ bạn vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đứa bé đấy.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo