Lại Thị Nhật Lệ

Ly thân bao lâu thì ly hôn? Luật ly thân quy định thế nào?

Nhờ luật sư tư vấn Quy định của pháp luật về việc ly hôn, việc ly thân bao lâu thì ly hôn được pháp luật quy định thế nào, cụ thể như sau: Em và chồng kết hôn được gần 5 năm và đã có một con trai gần 4 tuổi. Nay, em muốn được ly thân, để đôi bên cùng có thời gian thử thách và nhìn lại cuộc hôn nhân của mình.

Em muốn hỏi một vài điều:

1. Khi thuận tình ly thân, người chồng/vợ có cần thiết phải dọn đi? Có nghĩa là, chúng em vẫn có thể ở chung nhà, nhưng hoàn toàn độc lập trong tất cả các công việc riêng của mình hay không?

2. Cá nhân em muốn có thời gian ly thân hai vợ chồng hoàn toàn không gặp gỡ hay liên lạc để có đúng thời gian độc lập và cùng nhìn nhạn lại bản thân, nhưng gia đình lại không đồng ý vì sợ rùm beng vv. Như vậy, khi vẫn ở chung nhà, nhưng để thoả thuận ly thân, em có phải làm cam kết, hay một bản chứng minh ly thân không ạ?

3. Hai người vẫn cùng nuôi con trai, hay phân chia thời gian chăm con và thăm con?

4. Nếu trong thời gian ly thân, vợ hoặc chồng có một mối quan hệ mới với người khác, không sống chung như vợ chồng, thì điều đó có vi phạm pháp luật không ạ? Lúc đó, vợ/chồng có trách nhiệm thông báo và tiến hành li hôn không ạ? Xin chân thành cảm ơn quý công ty. 

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

1. Về vấn đề ly thân

Ly thân là gì?

- Ly thân được hiểu là vợ chồng không còn sinh sống, ăn ở, sinh hoạt với nhau nhưng qua hệ vợ chồng chưa chấm dứt (chưa ly hôn).

- Theo Luật hôn nhân gia đình năm thì không quy định về ly thân. Vợ chồng anh chị có quyền thỏa thuận về cuộc sống chung, quyền và nghĩa vụ của các bên nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật.

>> Tư vấn quy định về ly thân, ly hôn qua tổng đài: 1900.6169

Về tình nghĩa vợ chồng

Căn cứ theo luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng như sau:

"1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác."

2. Ly thân bao lâu thì có thể ly hôn?

- Như đã phân tích, hiện nay pháp luật Hôn nhân gia đình không quy định về vấn đề ly thân. Việc ly thân chỉ thể hiện một phần về mâu thuẫn vợ chồng, tòa án có thể căn cứ vào thực tế vợ chồng ly thân để giải quyết về tình cảm nhưng không phải điều kiện bắt buộc. Do vậy, không cần một khoảng thời gian ly thân nhất định mới được nộp đơn xin ly hôn và hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn.

- Nếu anh chị không thể tiếp tục duy trì cuộc sống hôn nhân thì vợ chồng anh chị có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn - thuận tình ly hôn hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu một bên theo Điều 56 luật hôn nhân gia đình thì chị phải có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

3. Về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con

Căn cứ theo Điều 69 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ:

"1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội."

Như vậy, vợ chồng chị có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Vợ chồng chị có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bảo vệ con. Hai anh chị có thể phân chia thời gian hoặc cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con nhưng phải đảm bảo quyền lợi chính đáng và cuộc sống của con.

4. Về việc chung sống như vợ chồng với người khác khi đang ly thân

- Vợ chồng anh chị có thể thỏa thuận không sống chung, không sinh hoạt chung ... nhưng khi chưa tiến hành ly hôn theo quy định của pháp luật thì anh chị vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Việc anh hoặc chị có hành vi sống chung như vợ chồng với người khác trong khi đang có mối quan hệ hôn nhân hợp pháp được xác định là hành vi vi phạm về quy định về bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình theo Luật hôn nhân và gia đình.

- Cụ thể, theo luật hôn nhân gia đình quy định các hành vi bị cấm như sau:

"...2. Cấm các hành vi sau đây:

... c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;"

- Pháp luật quy định về các hành vi vi phạm luật hôn nhân và gia đình và hình thức xử lý. Theo đó, hành vi chung sống như vợ chồng với người khác khi đang có vợ có chồng là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật: có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất và mức độ của hành vi. Nếu anh, chị có mối quan hệ với người khác mà không chung sống như vợ chồng thì không có căn cứ để xử lý. 

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo