Phạm Diệu

Trường hợp giành quyền nuôi con

Em tên H , vợ tôi tên: T. Vợ chồng em đã sống với nhau được hơn 1 năm, chưa đăng ký kết hôn, đã có 1 con chung, cháu được 3 tháng tuổi. Một tuần dành thời gian lên thăm vợ con 1 lần và chu cấp cho 2 mẹ con đầy đủ vì là viên chức nên phải công tác thường xuyên. Vừa qua em lên thăm và đã xảy ra mâu thuẩn giữa 2 vợ chồng. Từ hôm đó cho đến nay gia đình vợ em không cho em được quyền lên thăm con và chăm sóc con và nói sẽ làm giấy khai sinh sẽ không có tên cha (H).

1. Nếu Vợ tôi làm giấy khai sinh cho con tôi mà không hỏi ý kiến tôi và con tôi không mang họ cha và không có tên Cha trong giấy khai sịnh thì có trái với Luật HNGĐ không? Tôi phải làm gì và như thế nào để được quyền làm Cha

2. Nếu vợ tôi làm giấy khai sinh cho con tôi (không hỏi ý kiến tôi) mà người Cha và người Mẹ không phải là vợ chồng tôi thì người đứng giấy khai sinh của con tôi có vi phạm pháp luật không? Tôi phải làm những gì để dành quyền làm Cha và Me cho vợ chồng tôi.

3. Gia đình bên Vợ tôi ngăn cản không cho tôi thăm con tôi như vậy có trái với Quy định của pháp luật không?

4. Vợ tôi không có khả năng tài chính để nuôi con thì tôi phải làm như thế nào, thủ tục ra sao và nhờ cơ quan pháp luật nào can thiệp.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc làm giấy khai sinh

 

Theo thông tin bạn cung cấp, hai bạn chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn nên bạn T hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho con mà không cần ý kiến của bạn cũng như không viết tên cha trong giấy khai sinh.

 

Để có quyền của người cha đối với con bạn cần làm thủ tục nhận cha con tại Tòa án nhân dân, sau khi có quyết định của Tòa án nhân dân thì bạn cần làm thủ tục nhận cha con theo quy định tại ĐIều 25 Luật hộ tịch 2014 như sau:

 

“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

 

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

 

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

 

Thứ hai, nếu người đứng tên người cha và người mẹ trong giấy khai sinh đã thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi 2010 thì hành vi đó hoàn toàn hợp pháp. Bởi lẽ tại thời điểm nhận con nuôi chưa xác định được người cha trên giấy khai sinh do đó không cần có sự đồng ý của người cha về việc cho làm con nuôi.

 

Để giành lại quyền của mình thì bạn cần làm thủ tục nhận con theo như chúng tôi đã tư vấn ở trên.

 

Thứ ba, trong trường hợp bạn chưa được công nhận là cha của đứa trẻ thì việc gia đình vợ bạn ngăn cấm bạn thăm con không được coi là vi phạm pháp luật. Còn nếu bạn đã được xác định là cha của đứa trẻ thì hành vi đó đã vi phạm quy định của pháp luật. Cụ thể là khoản 2 Điều 69Luật Hôn nhân và gia đình 2014quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:

 

“2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

 

Và Điều 72 quy định như sau:

 

“1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

 

Thứ tư, Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:

 

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

 

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

 

a) Người thân thích;

 

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

 

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

 

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

 

Theo đó, bạn có quyền yêu cầu Tòa án cấp huyện quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con với lý do là người đang trực tiếp nuôi con không đủ khả năng tài chính để nuôi con.

 

Thủ tục yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con như sau:

 

- Đơn yêu cầu gồm các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

 

+ Ngày, tháng, năm viết đơn;

 

+ Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;

 

+ Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

 

+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;

 

+ Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;

 

+ Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;

 

+ Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

 

- Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp được gửi kèm theo đơn yêu cầu.

 

- Gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú hoặc nơi bạn T cư trú.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo