Phạm Diệu

Trường hợp chồng có hành vi đánh đập vợ nhiều lần khởi tố tội gì?

Luật sư tư vấn về trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, gây thương tích cho vợ và vấn đề chia tài sản chung. Nội dung tư vấn như sau:

Xin luật sư tư vấn giúp trường hợp sau:Hai vợ chồng, (chồng 1956, vợ 1960) xảy ra mâu thuẫn và thường xuyên cãi vã do  người chồng ngoại tình (do người vợ thấy được giấy ghi chép nhật ký của chồng các khoản tiền chi cho những lần đi nhà nghỉ với người khác) và chồng đòi bán nhà để chia tiền để đi. Người vợ không đồng  ý vì trong hộ khẩu còn tới 8 khẩu của con và cháu mà các con và cháu vẫn chưa có nhà đất riêng mà hiện tại đang đi làm xa và ở trọ nên k tách khẩu được. Mỗi lần xô xát người chồng lại đánh đập vợ bầm tím khắp người và đuổi ra khỏi nhà k cho ở, k mở cửa cho vào nhà. Có lần phải đi bệnh viện khám và uống thuốc theo toa của bác sĩ nhưng chưa đến mức tổn thương 11%. Cũng nhiều lần công an địa phương mời người chồng ra làm việc và phhạt hành chính. Nhưng người chồng vẫn chhứng nào tật ấy, vẫn đánh đập vợ. Sự việc kéo dài từ 2015-2017. Hai vợ chồng đã thuận tình ly hôn nhưng không thỏa thuận được việc chia tài sản. Tòa án địa phương đã hòa giải lần 1 và người vợ đã đồng ý để tòa định giá tài sản và phân chia nhưng người chồng k đồng ý. Tòa chưa ra quyết định lý hôn. Ngay sau khi ở tòa về, tối hôm đó người chồng tức tối lại đánh đập và đuổi người vợ ra khỏi nhà k cho vào nhà ngủ. Người vợ đã nhờ đến công an địa phương trình báo nhờ can thiệp. Vậy cho tôi hỏi : - người chồng đánh vợ nhiều lần (5lần) và đuổi vợ ra khỏi nhà, gây thương tích thì có bị xử lý phạt tù k? Các giấy tờ biên bản làm việc công an vẫn đang giữ. Người vợ muốn khởi tố người chồng có được không? - việc giải quyết ly hôn và phân chia tài sản chưa xong thì người vợ có quyền yêu cầu tòa có biện pháp ngăn nhà ở tạm thời ra để 2 người tránh va chạm và xô xát hay k vì người chồng vũ phu và bạo hành có nguy cơ xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người vợ.- người vợ có đủ cơ sở để khởi kiện chồng về tội bạo lực gia đình không?- trước đây 2 vợ chồng có nói chia cho 2  con mỗi người một phần đất 250 m2 nhưng chưa làm giấy tờ vì không có điều kiện kinh tế nên chưa lên thổ cư và sang tên . Tuy nhiên việc này có nhiều người biết và làm chứng. Trong giấy thông báo tòa án k yêu cầu con cái có mặt vì đã 18 tuổi và k giải quyết. Vậy con cái có quyền làm đơn yêu cầu tòa xem xét đến tình hình thực tế của gia đình để phân chia phần nhà cho người mẹ và các con còn phần đất cho người cha k? Ở đây diện tích đất là 788m2 đất cây lâu năm,50 m2 thổ cư đã làm nhà. Hay có thể nhờ tòa định giá phần nhà đất của người cha để đưa tiền cho người chồng đi.Điều kiện già đình khó khăn nên Nhờ luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn anh/chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, xử lý hành vi bạo lực gia đình 

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình gồm:

“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

 b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

 c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

 d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;....”

Theo thông tin anh/chị cho biết, người chồng thường xuyên đánh đập và có hành vi đuổi người vợ ra ngoài. Đó là những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính (theo Nghị định 167/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình), xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân”

Căn cứ vào quy định trên, trường hợp của anh/chị sẽ căn cứ vào mức độ thương tích mà người chồng đã gây ra cho người vợ để truy cứ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, theo thông tin anh/chị cho biết người chồng thường xuyên đánh đập vợ, hành vi đó đã bị xử phạt hành chính rồi mà vẫn tiếp tục như vậy có thể xác định đây là một trường hợp phạm tội nhiều lần đối với một đối tượng. Đây được coi là trường hợp có tính chất nghiêm trọng, do đó gia đình hoặc người vợ phải trình báo với cơ quan công an để tiến hành xem xét, giải quyết. Vì thế, trong trường hợp này vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được đặt ra với khung hình phạt có thể là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Như vậy, trong trường hợp này Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư, các thành viên gia đình có thể dùng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ theo quy định trên để bảo vệ người vợ.

Thứ hai, về việc phân chia tài sản

Trường hợp mảnh đất trên được cấp cho hộ gia đình sẽ căn cứ tại Điều 212 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”

Căn cứ quy định trên, trường hợp đất được cấp cho hộ gia đình thì việc định đoạt mảnh đất trên phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên gia đình. Nếu trường hợp không thỏa thuận được, gia đình nên làm đơn yêu cầu phân chia tài sản tại Tòa án.

Còn đối với trường hợp mảnh đất trên là sở hữu chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 213 Bộ luật dân sự 2015 thì việc định đoạt tài sản chung giữa vợ chồng sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì gửi đơn yêu cầu Tòa án phân chia.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo