Nguyễn Ngọc Ánh

Trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu thay đổi nuôi con

Luật sư cho tôi hỏi về vấn đề thay đổi người nuôi con sau khi đã ly hôn như sau: Tôi và vợ tôi ly hôn và tòa xử lý con tôi do vợ tôi nuôi đến tuổi trưởng thành. Nhưng khi có quyết định của tòa vợ tôi bỏ con tôi đi nơi khác sinh sống bỏ con tôi cho ông bà ngoại nuôi dưỡng mà không có sự thỏa thuận với tôi.

Nhiều lần về thăm con tôi nhưng ông bà ngoại cố tình ngăn cách tình cảm cha con tôi không cho con tôi gặp mặc tôi và còn đuổi tôi ra khỏi nhà và nhốt con tôi trong phòng riêng của ông bà ngoại, hiện giờ con tôi đang bị bệnh nặng nhưng tôi không có cách nào gặp được con tôi. tôi có mời chính quyền địa phương can thiệp nhưng ông bà ngoại bất chấp pháp luật vẫn không cho tôi gặp con tôi. tôi đang nghi ngờ con tôi giờ đang bị dấu đi nơi khác hay bị bệnh nặng. Với hành vi vi phạm pháp luật như vậy tôi có thể thưa kiên ông bà ngoại đã cố ý giam, giữ con tôi trái pháp luật hay không? và tôi muốn kiện thì tôi cần những điều kiện gì? và nộp đơn cho bộ phận cơ quan nào.? (tôi đã có bằng chứng xác nhận đầy đủ từ chính quyền địa phương nơi con tôi đang ở). xin cảm ơn luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia! Chúng tôi thông cảm với trường hợp của anh và tư vấn yêu cầu của anh như sau:

 

Anh có trình bày, trong nội dung bản án ly hôn, HĐXX đã giao con chung cho vợ của anh là người trực tiếp nuôi dưỡng; anh là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Tuy nhiên, sau khi bản án được thi hành trên thực tế, thì xảy ra sự việc: “vợ cũ của anh đi nơi khác sinh sống, không trực tiếp nuôi dưỡng con chung của anh chị mà giao con cho ông , bà ngoại nuôi".

Vậy, đây có thể sẽ là căn cứ để HĐXX ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con khi: “người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Lưu ý: Nếu cháu đã đủ 07 tuổi trở lên thì nguyện vọng của cháu cũng cần được xem xét khi HĐXX ra quyết định, và việc lấy ý kiến của cháu là thủ tục bắt buộc khi giải quyết.

Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“ Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên”.


Anh cần thu thập các chứng cứ, các tài liệu liên quan tới việc vợ cũ của anh giao con chung có ông, bà ngoại nuôi; không trực tiếp nuôi con mà hiện đang sinh sống ở địa phương khác (xin xác nhận của công an xã) để thuyết phục HĐXX đồng ý với yêu cầu  của mình.

Anh có thể gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân quận, huyện nơi vợ anh cư trú để HĐXX xem xét, ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

“ Điều 168Trả lại đơn khởi kiện

1. Toà án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

...

c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện”.

Hiện nay, theo như anh trình bày thì ông, bà ngoại cản trở việc anh thăm nom con chung. Hơn nữa anh cũng nghi ngờ cháu hiện tại bị giấu ở nơi khác hoặc đang mắc bệnh.

Chúng tôi khẳng định, hành vi của ông bà ngoại như vậy là hành vi trái pháp luật, cản trở anh thực hiện quyền của mình. Để kịp thời giải quyết, tránh những hậu quả có thể xảy ra thì anh có thể làm đơn gửi tới cơ quan công an xã, Hội phụ nữ tại địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để kịp thời can thiệp, giải thích cho ông, bà ngoại thực  hiện đúng quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 82 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
như sau:

“ Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

....

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”.


Hành vi cản trở anh thăm nom con chỉ là hành vi vi phạm nghĩa vụ theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, không phải hành vi giữ người trái pháp luật theo quy định của pháp luật hình sự. Anh thực hiện những chỉ dẫn, kết hợp với nguyện vọng của mình để giải quyết sự việc nêu trên.

Chúc anh thành công, sớm đòi lại công lý và bảo vệ tốt cho cháu bé!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo