Vũ Thanh Thủy

Muốn kiện giành quyền nuôi con sau khi ly hôn

Vợ tôi bỏ con cho tôi nuôi từ lúc cháu 4 tháng tuổi. Lần đầu làm đơn ra tòa xin li hôn, cô ấy cũng không nhận nuôi con. Khi con sốt ốm tôi gọi điện cô ấy cũng không vào thăm con.

Hiện nay cô ấy ở nhờ nhà bố đẻ và dì ghẻ, làm công việc tự do, có mức lương không ổn định. Nay cô ấy làm đơn ra tòa dành quyền nuôi con, tòa đã xử cho cô ấy được quyền nuôi con. Hiện nay cháu 30 tháng tuổi. Gia đình tôi nhiều khi đề nghị được đón cháu về chơi nhưng cô ấy viện nhiều lí do không cho đón cháu. Cho tôi được hỏi: tôi có được kháng án giành quyền nuôi con không? Vì tôi đã chăm sóc cháu từ khi cháu 4 tháng tuổi đến nay.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, ban đầu hai vợ chồng bạn đã làm đơn ra Tòa xin ly hôn, vợ bạn không nhận nuôi con. Tuy nhiên, cần phải xác định việc quyết định người nuôi con trực tiếp đã được tòa án giải quyết tại lần nộp đơn đầu tiên hay chưa. Tức là việc bạn là người nuôi con trực tiếp đã được tòa án quyết định bằng một bản án có hiệu lực hay chưa.

Tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con"

Theo bạn trình bày thì vợ bạn đã nộp đơn xin ly hôn lần đầu nhưng không nhận nuôi con, tuy nhiên chúng tôi vẫn không xác định được đã có bản án hay quyết định nào của tòa án về việc giải quyết quyền nuôi con tại lần nộp đơn đầu tiên hay chưa. Nếu chưa có bản án hay quyết định có hiệu lực nào của tòa án, thì trong vụ án tranh chấp về quyền nuôi con tại lần này, Tòa án căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014, đối với con được 30 tháng tuổi, tòa án quyết định giao trực tiếp cho vợ bạn nuôi, trừ trường hợp vợ bạn không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc do các bên có thỏa thuận khác.

Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015  quy định về thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm như sau:

"1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết."

Hồ sơ kháng cáo:

  • Đơn kháng cáo;
  • Tài liệu, giấy tờ chứng minh vợ của bạn không đủ điều để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu thông qua các bằng chứng là khi con bạn ốm, bạn có liên hệ với vợ để thông báo về tình hình của cháu nhưng vợ không đến chăm sóc mà không có lý do chính đáng, đồng thời vợ bạn hiện tại không có công việc ổn định thì khó có đủ khả năng kinh tế chăm sóc, nuôi dưỡng con một cách tốt nhất. Ngoài việc chứng minh những mặt bất lợi của vợ thì bạn cần chứng minh về điều kiện của mình để cho Tòa án xem xét.

Như vậy, nếu còn thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, đồng thời có đầy đủ bằng chứng như phân tích ở trên thì bạn có quyền gửi hồ sơ kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm để yêu cầu giải quyết.

Trường hợp hết thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, bạn cũng có quyền khởi kiện để thay đổi người trực tiếp nuôi con được quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nếu có một trong các căn cứ sau:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo