LS Trần Liên

Trách nhiệm của chồng khi thực hiện giao dịch dân sự mà không được vợ ủy quyền

Luật sư tư vấn trường hợp hỏi về: Người chồng thực hiện các giao dịch dưới tư cách kinh doanh riêng của người vợ mà không được người vợ ủy quyền thì trách nhiệm thực hiện giao dịch đó thuộc về ai? Cụ thể như sau:

Nội dung yêu cầu: Thưa luật sư Lời đầu tiên cho tôi xin gửi lời cảm ơn tới luật sư đã đọc và quan tâm mail của tôi. Tôi xin hỏi 1 vấn đề như sau và hi vọng luật sư tư vấn giúp tôi. Chị gái tôi là kỹ sư nông nghiệp, cùng chồng là nhân viên giao hàng (nv thị trường) của cty thuốc bảo vệ thực vật. Chị gái tôi đã lấy bằng kỹ sư của mình ký hợp đồng kinh doanh với cty trên để kinh doanh trên địa bàn sinh sống. Tất cả giấy tờ có liên quan đều do chị tôi ký. Nhưng sau khi có bầu và sinh cháu thì chị lại ko kinh doanh gì nữa. Người chồng: tuy là nhân viên cty, nhưng lại đi lấy sản phẩm cty để phân phối tới các cửa hàng bán lẻ dựa trên tên của ng vợ (tức chị gái tôi) mặc dù ko hề có 1 văn bản ủy quyền nào hợp pháp. Người chồng đã tự gọi cho cty và lấy các sản phẩm của cty mà ko cho người vợ biết. Số tiền đi phân phối cho các cửa hàng lẻ  ng chồng chi tiêu vào công việc cá nhân, không cho ng vợ được biết. Trong khi đó, sản phẩm lấy từ cty vẫn chưa chi trả.

Hiện tại, số tiền nợ đã lên tới con số lớn, nhưng số tiền phân phối thì đã bị ng chồng tiêu hết vào các công việc cá nhân. Tôi muốn hỏi, đối với trường hợp trên thì toàn bộ số nợ mà ng chồng gây ra, trách nhiệm sẽ là của ai? Nếu ng vợ muốn kiện ng chồng để đòi lại số tiền đã tiêu vào công việc cá nhân thì liệu kết quả có khả thi không? Kính xin ý kiến của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Về quyền đại diện của vợ, chồng:

 

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc đại diện giữa vợ và chồng:

Điều 24. căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng:

1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.

Điều 25. Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh

1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.

2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.

Theo đó, vợ và chồng có thể ủy quyền đại diện cho nhau để thực hiện những giao dịch và phải tuân thủ đúng hình thức của hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền. Trường hợp vợ và chồng kinh doanh chung thì hai bên có thể là đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó.

Tuy nhiên, trường hợp của gia đình chị của bạn, người chị thực hiện việc kinh doanh riêng nên khi người chồng muốn đại diện người vợ thực hiện việc kinh doanh này cần phải có giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền hợp pháp. Khi thực hiện các công việc theo ủy quyền hợp pháp thì hai vợ chồng sẽ chịu trách nhiệm liên đới các nghĩa vụ phát sinh sau đó.

Trường hợp này, người chồng không được người vợ ủy quyền để thực hiện việc kinh doanh riêng dưới tư các của người vợ.
 

- Giải  quyết hậu quả của giao dịch do người không có quyền đại diện thực hiện.

Bộ luật dân sự về Hậu quả của gia dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.

2. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

Theo đó, khi người thực hiện giao dịch không được ủy quyền hợp phát thì các gia dịch không phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện trừ khi người được đại diện đồng ý. Khi bên thứ ba đã giao dịch với người không có quyền đại diện thì phải thông báo cho người được đại diện biết trong một thời hạn nhất định. Nếu người được đại diện đồng ý thì giao dịch này phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện. Nếu người được đại diện không trả lời hoặc không đồng ý thì người không có quyền đại diện thực hiện giao dịch vẫn phải thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba.

Trường hợp này, vì người vợ thực hiện việc kinh doanh riêng nên người chồng chỉ được đại diện cho người vợ để thực hiện giao dịch dưới tên của người vợ khi có văn bản ủy quyền giữa của người vợ.

Tuy nhiên, người chồng không được người vợ ủy quyền nên khi thực hiện các giao dịch đối với phía công ty thuốc bảo vệ thực vật thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người vợ. Hiện tại, sau khi người chồng thực hiện giao dịch với phía công ty, công ty phải gửi thông báo về cho người vợ. Nếu người vợ không đồng ý để cho chồng đại diện thì người chồng sẽ phải tự mình tự mình tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong giao dịch đó (trừ trường hợp công ty biết hoặc phải biết).

Như vậy, công ty gửi thông báo về việc người chồng đã thực hiện giao dịch với công ty mà chị của bạn xác nhận không đồng ý thì lúc này người chồng sẽ phải một mình chịu trách nhiệm trả số tiền đã lấy hàng cho công ty.

Theo thông tin bạn đưa ra, người chồng thực hiện việc lấy hàng, mang phân phối và đã sử dụng số tiền đó vào việc cá nhân (không nhằm thực hiện các nghĩa vụ  vậy nên người chồng sẽ phải tự mình chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho công ty. Nếu người chồng không chịu trả khoản nợ đó thì người vợ hoặc công ty có thể làm đơn yêu cầu tòa giải quyết, thực hiện cưỡng chế người chồng trả khoản nợ đó.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo