Cà Thị Phương

Trách nhiệm chung của vợ và chồng đối với khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân

Điều kiện phát sinh trách nhiệm trả nợ chung của vợ và chồng đối với khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân? Không xác định được nơi vợ cư trú thì thủ tục ly hôn như thế nào?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Năm 1985, anh trai tôi kết hôn và sinh được 3 người con: Sinh năm 1985, 1992 và 1993. Năm 1999 hai người đã ly hôn và đến năm 2005 tái hôn và đăng ký kết hôn lại. Năm 2014, chị dâu tôi bị vỡ nợ lần thứ 3 và sang tên phần đất và tài sản gắn liền với đất cho anh trai tôi toàn quyền sử dụng (có hợp đồng cho tặng và anh trai tôi đã đi sang tên đứng tên một mình căn nhà đó). Cho đến năm nay chị dâu tôi có vay một khoản tiền của ngân hàng (nhưng anh trai tôi ko biết và ko ký bất cứ loại giấy tờ gì) và một khoản vay ngoài xã hội.

Xin luật sư tư vấn cho tôi với những khoản vay như vậy, anh trai tôi có bị liên đới hay không? Và thủ tục ly hôn khi chị dâu tôi không có ở nơi cư trú thì phải làm thế nào ạ? Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm trả nợ đối với các khoản vay.

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng thì:

“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này”.

Đối chiếu với quy định tại Điều 30 và Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

"Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên".

“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.

Như vậy, trong trường hợp trên chị dâu bạn có một khoản vay tiền của Ngân hàng và khoản vay ngoài xã hội mà anh trai bạn không biết và không ký bất kỳ giấy tờ gì thì anh bạn chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới đối những khoản vay trên khi chị dâu bạn sử dụng những khoản vay trên nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Thứ hai, thủ lục ly hôn khi chị dâu bạn không có nơi cư trú.

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

Theo căn cứ trên, bạn cần xác định trường hợp của anh trai và chị dâu bạn là thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn. 

Trường hợp thứ nhất: Nếu anh trai và chị dâu bạn thuận tình ly hôn, chị dâu bạn đã ký vào đơn thuận tình ly hôn thì anh trai bạn phải tiến hành nộp đơn tại Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi mà một trong hai người cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết, có thể nộp Tòa án nơi bạn cư trú.

Trường hợp thứ hai: Anh trai bạn muốn thực hiện đơn phương ly hôn thì anh trai bạn phải nộp đơn tại Tòa án nơi mà chị dâu bạn cư trú nhưng hiện nay anh trai bạn không biết nơi cư trú hiện tại của chị dâu bạn thì anh trai bạn có thể lựa chọn Tòa án giải quyết dựa trên căn cứ tại Điều 40 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.  Cụ thể, Điều 40 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

"Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu

1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết".

Như vậy, trong trường hợp anh trai bạn làm đơn đơn phương ly hôn mà không xác định được nơi mà chị dâu bạn đang cư trú, làm việc thì anh trai bạn có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân nơi chị dâu bạn đăng ký tạm trú,thường trú hoặc nơi làm việc cuối cùng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo