Luật gia Nguyễn Nhung

Thủ tục yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Quyền nuôi con sau khi ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án có hiệu lực của Tòa án hoặc dựa trên thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên vẫn sẽ tồn tại trường hợp thay đổi người có quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Câu hỏi tư vấn: Em và chồng em ly hôn, có 1 con trai hiện tại 27 tháng tuổi và có quyết định ly hôn từ tháng 7/2017. Lý do ly hôn là chồng em chơi bời nghiện ngập không chịu làm ăn quan tâm đến vợ con. Trường hợp của em như sau: do hoàn cảnh và không thể sống cùng người chồng như vậy nên tháng 3/2017 em quyết định làm hồ sơ xuất khẩu lao động ở nhật và nộp đơn ly hôn lên tòa ,khi đấy con em được 22 tháng tuổi nhưng không còn cách nào khác em phải đứt ruột rời xa con. Khi toà gọi lên thì chồng em không đồng ý và không chịu lên toà giải quyết, toà gọi đến lần thứ 3 mới chịu lên và đòi quyền được nuôi con thì mới đồng ý ly hôn. Vì em chuẩn bị đi xuất khẩu lao động nên sợ giải quyết đơn phương thì em bay sang nhật bản mất sẽ không giải quyết được vậy là em đồng ý giải quyết nhanh và chồng em được quyên nuôi con. Bây giờ thì em đang ở nhật bản còn chồng cũ em do ăn chơi nên mới bị bắt vào tù được 3 tháng và bị phạt 5 năm tù. Con em hiện tại đang ở cùng bà nội (ông nội mất và còn 1 em trai chồng nhưng hiện tại không có nhà) em có bảo bà giờ tình hình như vậy nếu bà không chăm được thì để gửi về ông bà ngoại nhưng bà không đồng ý. Mong các anh chị tư vấn giúp em bây giờ em liệu có giành được quyền nuôi con không ạ? Nếu được Thi em phải làm như thế nào ạ. Em cảm ơn anh chị rất nhiều ạ.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về vấn đề này như sau:

“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.”

Dựa vào quy định trên, chị có thể viết đơn yêu cầu gửi đến tòa án để thay đổi người trực tiếp nuôi con. Pháp luật không quy định thời gian ly hôn bao lâu mới có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng như không phụ thuộc vào việc trước đây người này không đủ điều kiện nuôi con. Tuy nhiên, khi yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chị cần có 1 trong hai căn cứ sau:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Trường hợp chồng chị không đồng ý thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con thì chị nên  gửi kèm theo đơn yêu cầu các chứng cứ chứng minh chồng chị ( tức người nuôi con hiện tại) không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con được nữa vì đang chấp hành hình phạt tù, điều kiện vật chất và tinh thần không đảm bảo cho con  cũng như chứng minh hiện tại chị là người tạo được điều kiện chăm sóc con tốt nhất, Tòa án sẽ xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con từ chồng chị sang chị.

Về thủ tục đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con. Hồ sơ bao gồm:

 + Đơn khởi kiện (theo mẫu).

 + Bản án ly hôn.

+ Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực).

+ Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực).

 +Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.

 Tiếp theo, chị nộp hồ sơ trên tại Tòa án nhân dân quận/ huyện nơi bị đơn (là chồng chị) đang cư trú, làm việc.

Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho chị. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/ huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lí vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Trường hợp còn vướng mắc vui lòng liên hệ với chung tôi qua email hoặc gọi điện để được tư vấn trực tuyến. 

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo