Luật sư Phùng Gái

Thủ tục ly hôn đơn phương và quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn.?

Câu hỏi tư vấn: Em lấy chồng được 13 năm có 2 đứa con. Tuy nhiên trong thời gian chung sống chồng em không bao giờ đưa tiền lương về giúp vợ chăm sóc con cái , vun ven gia đình. Được bao nhiêu tiền lương anh ấy đều đem đi tiêu xài cá nhân như đánh bạc, chơi đề, bida, nhậu nhẹt...

Và mỗi lần nhậu say về anh ta luôn chửi rủa, đánh đập tôi. Mặc dù tôi đã khuyên can nhiều lần nhưng anh ta vẫn chứng nào tật đó, bị đánh đòn đau nhiều lần nhưng tôi vẫn cố sống cùng anh ta với hi vọng anh ta thay đổi và cũng bởi vì khi không có rươu anh ấy bình thường. Tuy nhiên, hầu như đêm nào anh ta cũng đi chơi, nợ tiền ở ngoài để chơi bời khiến cho họ kéo nhau đến nhà chửi rủa, xúc phạm tôi mặc dù những khoản tiền vay đó tôi không bao giờ biết cho đến lúc họ đến đòi...Cuộc sống căng thẳng một thời gian rất dài khiến cho tôi vô cùng chán nản và tình yêu của tôi đối với chồng hầu như không còn nữa. Cũng vì tâm trạng chán nản đó nên tôi đã vô tình mắc phải lỗi lầm, tuy nhiên tôi nghĩ đó không phải là tình yêu mà chỉ là cần một nơi để chia sẻ tâm sự, và khi chồng tôi phát hiện ra, tôi cũng đã nói thật và người đó cũng chấp nhận xin lỗi, hứa với anh ta là sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm và đền bù cho anh ta một số tiền. Chồng tôi đã đòi lấy của người ta 70 triệu đồng và hứa sẽ không bao giờ nhắc lại chuyên này nữa. Tuy nhiên, cả năm nay tôi luôn sống với chồng nhưng anh ta luôn dày dày vò, chửi rủa, đánh đập ...tôi và còn nhắn tin liên lạc chửi rủa người ta và còn cố ý cho vợ người ta biết nữa. Thời gian gần đây, anh ta không chỉ chửi, đánh tôi mà còn đòi vác dao chém tôi, rất may là tôi đã chạy trốn được qua nhà hàng xóm và tôi đã quyết định sẽ li hôn với anh ta để chấm dứt cảnh bạo hành, và cũng để bảo vệ bản thân.

Vậy luật sư cho tôi hỏi với những sự việc như trên thì chồng tôi có vi phạm gì về pháp luật không, vi phạm như thế nào và tôi phải làm gì để thoát khỏi anh ta, việc anh ta đánh đập tôi, nhận tiền rồi mà còn cố tình để lộ thông tin thì sẽ bị phạt như thế nào ( anh ta có kí vào một tờ cam kết là nhận bao nhiêu tiền và hứa không tiết lộ chuyện gì nữa)tôi phải làm như thế nào để li hôn được với anh ta khi giấy tờ anh ta đều giữ và bây giờ tôi không thể về nhà của mình, tôi phaỉ làm gì để chứng minh anh ta không đủ điều kiện để tôi giành quyền nuôi 2 con ( đứa đầu 13 tuổi, đứa thứ hai 6 tuổi). Rất mong được luật sư tư vấn, tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin cung cấp thì chồng bạn thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình tức có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng để xác định chồng bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính thì sẽ phải căn cứ vào tính chất, mức độ thiệt hại gây ra... để xác định. Cụ thể, Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007:

Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo đó, mặc dù chồng bạn đã thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhiều lần nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng cũng như chưa bị xử phạt hành chính. Do đó, với hành vi trên thì chồng bạn có thể chỉ dừng ở mức sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

-Thủ tục ly hôn đơn phương:

Trong trường hợp bạn không muốn duy trì quan hệ hôn nhân và có đầy đủ căn cứ chứng minh cho hành vi bạo lực gia đình của chồng thì bạn có thể làm đơn đơn phương ly hôn gửi Tòa án nhân dân nơi bị đơn (chồng cư trú). Theo đó, hồ sơ ly hôn bao gồm:

+Đơn đơn phương ly hôn (theo mẫu);

+Giấy đăng ký kết hôn;

+Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng;

+ Giấy khai sinh của con;

(Nếu bạn không cung cấp được các giấy tờ trên thì kèm theo đơn ly hôn sẽ phải cung cấp thêm văn bản giải trình lý do không cung cấp được đầy đủ các giấy tờ liên quan gửi Tòa án xem xét).

- Quyền nuôi con sau ly hôn:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Như vậy, đối chiếu quy định pháp luật với thông tin bạn cung cấp thì hai con của bạn (một con 13 tuổi và một con 6 tuổi). Do đó, khi ly hôn việc ai sẽ được giành quyền nuôi con đối với cháu bé 13 tuổi thì sẽ phải xét tới nguyện vọng của cháu xem cháu muốn ở với ai; đối với cháu bé 6 tuổi thì hai bên sẽ tự chứng minh khả năng về kinh tế cũng như các yếu tố về tinh thần khác. Trên cơ sở đó Tòa án sẽ quyết định giao quyền nuôi dưỡng trực tiếp cho người có khả năng đáp ứng tốt nhất cho cuộc sống của con.

Theo đó, nếu bạn muốn giành quyền nuôi cả hai cháu thì trước tiên phải có sự đồng ý của cháu bé 13 tuổi về ở cùng. Đối với cháu 6 tuổi thì bạn phải chứng minh khả năng đáp ứng về mọi mặt cho cháu là hơn người chồng, kèm theo căn cứ chứng minh về lối sống lệch lạc của người chồng (thường xuyên đánh bạc, rượu chè, bạo lực gia đình...) cũng như kinh tế không đáp ứng đủ để nuôi con. Trên căn cứ đó Tòa án sẽ xem xét để giành quyền nuôi dưỡng trực tiếp hai cháu cho bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo