LS Trần Liên

Thủ tục khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn

Cấp dưỡng là việc một người đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không chung sống với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…

1. Luật sư tư vấn vấn đề cấp dưỡng

Thông thường chủ yếu các vấn đề liên quan đến cấp dưỡng thường phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình đặc biệt là trong trường hợp ly hôn. Sauk hi ly hôn người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng để góp phần cùng với người trực tiếp nuôi dưỡng con đảm bảo về các điều kiện phát triển tốt nhất cho con.

Khi một cặp vợ chồng ly hôn, bên cạnh các tranh chấp liên quan đến phân chia tài sản khi ly hôn hoặc các tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn thì các tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng và mức cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con đối với con sau khi ly hôn cũng là các tranh chấp thường phát sinh giữa các cặp vợ chồng. Các vấn đề liên quan đến cấp dưỡng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của con mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người cấp dưỡng.

Đối với các vấn đề cấp dưỡng, do tính chất khó xác định một mức cấp dưỡng cụ thể dẫn đến các tranh chấp liên quan đến vấn đề này thường gay gắt, gây ra các khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền cũng như các bên trong tranh chấp trong quá trình giải quyết. Để được tư vấn cụ thể về vấn đề này, bạn có thể liên hệ với Luật Minh Gia qua hình thức như gửi Email tư vấn. Chúng tôi có bộ phận luật sư, chuyên viên tư vấn pháp luật giàu kinh nghiệm sẵn sàng hỗ trợ bạn tư vấn về các vấn đề liên quan.

2. Thủ tục khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn

Câu hỏi: Thưa luật sư cho tôi hỏi về việc kiện yêu cầu bên chồng, vợ cấp dưỡng nuôi con như sau: Tôi và chồng đã ly hôn gần hai năm nay. Chúng tôi có một con chung 4 tuổi hiện tại tôi đang nuôi dưỡng và theo thống nhất tại tòa thi hàng tháng chồng tôi phải cấp dưỡng 1,5 triệu nhung hơn một năm nay chồng cũ của tôi đã không cấp tiền nuôi con cho tôi. Tôi cần phải làm những thủ tục gì để yêu cầu chồng cũ gửi tiền cấp dưỡng?  Xin cảm ơn

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:

“1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.”

Theo quy định này, trường hợp chồng của chị không thực hiện việc cấp dưỡng cho con mà chị đang trực tiếp nuôi, chị có quyền yêu cầu Tòa án buộc người chồng cũ của  chị  thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Thủ tục yêu cầu cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn:

Hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn bao gồm :

+ Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;

+ Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân;

+ Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu;

+ Quyết định/ Bản án ly hôn;

+ Chứng cứ chứng minh thu nhập của người chồng;

+ Bản sao có chứng thực giấy sinh của con.

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết:

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ

“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình,...

b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình,...

c) Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản."

Theo quy định này, chị có thể gửi đơn khởi kiện tới tòa án cấp quận/ huyện nơi chồng chị cư trú.Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, nếu trong hồ sơ có căn cứ chứng minh việc chồng chị không thực hiện việc cấp dưỡng  và vụ việc thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án thụ lí và giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo