Nguyễn Ngọc Ánh

Thủ tục đăng ký nhận con và thay đổi họ của con theo họ cha đẻ

Luật sư cho em hỏi về thủ tục đăng ký nhận cha con như sau: Em và vợ sống thử và có đứa con gái. Chưa đám cưới và đăng ký kết hôn với nhau vì lúc vợ sinh con em phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Gia đình có mâu thuẫn với nhau nên không thể đến với nhau được, giấy khai sinh hiện tại mang họ mẹ và cha thì bỏ trống, hiện tại hai vợ chồng ly thân.

Em muốn nuôi con và làm giấy khai sinh cho con lại mang họ của em ( có nghĩa là thêm họ tên của cha phần còn trống và mẹ thì vẫn giữ nguyên) . Vậy cho em hỏi thủ tục cần làm như thế nào, không đăng ký kết hôn thì có thực hiện được không? Em xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

Theo như anh trình bày, anh và vợ chưa đăng ký kết hôn nhưng đã có một con chung với nhau. Hiện tại, anh muốn nuôi con và làm giấy khai sinh mang họ của anh. Vậy, để thực hiện được mong muốn của mình, trước hết anh cần thực hiện thủ tục để Nhà nước công nhận anh là cha đẻ của con.

Anh tiến hành thủ tục đăng ký nhận con tại UBND cấp xã nơi anh cư trú hoặc con của anh đang cư trú theo quy định tại Điều 24, 25 Luật hộ tịch 2014.

Về thủ tục đăng ký nhận con như sau:

-  Nộp từ khai nhận con theo mẫu quy định tại UBND xã, phường, thị trấn có thẩm quyền;

-  Nộp chứng cứ chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Chứng cứ theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 15/2015/ TT – BTP sẽ bao gồm: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. 

Lưu ý: Tất cả các bên đều phải có mặt khi thực hiện thủ tục trên.

Thời hạn thực hiện: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Song song với việc đăng ký nhận con, anh sẽ tiến hành thủ tục cải chính giấy khai sinh cho con theo quy định tại Điều 26 Luật hộ tịch 2014:

1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi”.

Điểm c Khoản 1 Điều 27 BLDS 2005 thì trường hợp nhận con sẽ là căn cứ để thay đổi họ, tên cho con theo yêu cầu  của cha đẻ, mẹ đẻ: “Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con”.

Tuy nhiên, để thực hiện được thủ tục trên bắt buộc phải được sự đồng ý của mẹ đẻ cháu. Bởi, khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ – CP trường hợp trên phải được sự đồng ý của cả hai bên cha mẹ (đối với trường hợp con dưới 18 tuổi; và phải khai vào tờ khai theo quy định).

Anh lưu ý, đăng ký kết hôn là thủ tục bắt buộc để Nhà nước công nhận mối quan hệ vợ, chồng và từ đó phát sinh các nghĩa vụ giữa vợ, chồng. Tuy nhiên, đăng ký kết hôn không phải thủ tục duy nhất để chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con. Do đó, khi các đương sự không đăng ký kết hôn, có con chung mà theo ý nguyện muốn có tên trong giấy khai sinh của con thì pháp luật  luôn mở cửa để tiếp nhận.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục đăng ký nhận con và thay đổi họ của con theo họ cha đẻ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo