Phạm Diệu

Thi hành quyết định của Tòa án về quyền nuôi con

Hỏi: Cách đây 1 năm vợ chồng em có li hôn khi đấy con em được hơn 1 tuổi, trong đơn ly hôn nói rõ em là người được nuôi con, nhưng sau khi ly hôn được mấy hôm thì vì lý do thương con nên vợ chồng em quyết định về chung sống với nhau nhưng cho đến nay vẫn chưa đăng kí lại.

Trong thời gian chung sống vợ chồng em lại nảy sinh mâu thuẫn và quyết định chia tay, hiện tại con em mới được 2 tuổi rưỡi, nhưng nhà chồng em cương quyết không cho em được nuôi con và giữ em lại, hôm trước luật sư có nói em vẫn có quyền nuôi con vì con em chưa đủ 36 tháng tuổi, vẫn thuộc quyền nuôi của mẹ. Nhưng nhà chồng em đã giữ con em rồi đuổi em đi, không cho em nuôi con. Bây giờ em muốn giành lại quyền nuôi con thì phải làm sao ạ? em đã từng đến và đòi lại con nhiều lần nhưng họ nhất định không trả con lại cho em. vậy luật sư cho em hỏi bây giờ muốn giành lại quyền nuôi con thì em phải nhờ đến tòa án can thiệp phải không ạ? có mất nhiều thời gian không ạ? Em rất mong nhận được câu trả lời từ luật sư, em không thể sống thiếu con em được. Em cám ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ: Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật thi hành án dân sự);

 

Một năm trước hai vợ chồng bạn đã được tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn đồng thời công nhận quyền nuôi con thuộc về bạn và quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực thi hành. Việc hai người quay trở về sống chung mà không đăng ký kết hôn không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của quyết định của Tòa án, do đó hai người vẫn phải thi hành quyết định này, quyền nuôi con vẫn thuộc về bạn. Nếu chồng cũ bạn cố tình không thi hành quyết định của Tòa án, không cho bạn thực hiện quyền nuôi con thì căn cứ quy đinh tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự, bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án:

 

"Điều 30. Thời hiệu yêu cầu thi hành án

 

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

 

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

 

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

 

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

 

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án".

 

Về thủ tục nộp đơn yêu cầu ra quyết định thi hành án, bạn vui lòng tham khảo bài viết: Thủ tục nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự

 

Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.

 

Sau khi nhận được quyết định thi hành án, người phải thi hành án có một khoảng thời gian để tự nguyện thi hành án theo được quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật thi hành án dân sự như sau:

 

"1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án".

 

Theo quy định trên thì sau khi nhận được quyết định thi hành án, chồng cũ của bạn có 10 ngày để tự nguyện giao trả con cho bạn, sau thời hạn đó mà anh vẫn không chịu thực hiện sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 120 Luật thi hành án dân sự:

 

"Điều 120. Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định

 

1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

 

2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án".

 

Như vậy, sau thời hạn 10 ngày để tự nguyện thi hành án và 05 ngày làm việc sau khi có quyết định phạt tiền mà chồng cũ bạn vẫn không giao cháu thì Chấp hành viên sẽ tiến hành việc cưỡng chế để buộc giao con cho bạn, nếu không thể thực hiện cưỡng chế hoặc việc cưỡng chế không hiệu quả thì Chấp hành viên có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo