Triệu Lan Thảo

Theo dõi thông tin cá nhân của vợ/chồng có hợp pháp không?

Em tên là T và đã có vợ và 3 đứa con ạ. 6 tháng trước em có nghi ngờ vợ ngoại tình. Sau đó em dùng phần mềm theo dõi điện thoại của vợ ạ. Quá trình theo dõi được 4 tháng thì em phát hiện ra là vợ có nhắn tin yêu được với 2 người khác. Một người em biết một người em không biết. Vậy anh chị cho em hỏi là em giải quyết vấn đề này như nào? Và việc em theo dõi vợ có vi phạm quyền riêng tư của vợ không ạ? Em xin cảm ơn!

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến công ty luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trước tiên, vấn đề của bạn thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, pháp luật hiện hành quy định về nghĩa vụ của vợ chồng như sau:

Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”

Vì vậy, bạn có thể thảo luận cùng vợ để thống nhất quan điểm và hòa giải các mâu thuẫn của bạn. Bởi, pháp luật hiện hành luôn ưu tiên gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thứ hai, trong trường hợp bạn dùng các thủ thuật đã áp dụng để theo dõi vợ bạn làm chứng cơ chứng minh vợ bạn không chung thủy hay không làm trọn nghĩa vụ theo quy định pháp luật thì các tài liệu đó có thể không được chấp thuận. Vì: các thông tin trong điện thoại thuộc thông tin cá nhân, bạn bí mật theo dõi có thể bị xem xét vào hành vi xâm phạm đời tư do không được sự cho phép của vợ bạn theo Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Đồng thời, các tài liệu bạn đưa ra phải có chứng minh nguồn gốc thì mới được coi là chứng cứ, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị Quyết số 04/2012/NQ-HĐTP, theo đó để được coi là chứng cứ quy định tại Điều 81 của BLTTDS, thì việc xác định chứng cứ từ từng loại nguồn chứng cứ cụ thể như sau:

“a) Các tài liệu đọc được nội dung phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Bản chính có thể là bản gốc hoặc bản được dùng làm cơ sở lập ra các bản sao.

b) Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.
…”

Vì vậy, bạn cần có các tài liệu hợp pháp và có xác nhận rõ ràng để làm chứng cứ khi giải quyết các thủ tục quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo