Đinh Ngọc Huyền

Tài sản được tặng cho trong thời kì hôn nhân

Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là các tài sản được hình thành kể từ thời điểm hai bên nam nữ đăng ký kết hôn mà không phải là tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng hoặc tài sản có được từ nguồn tài sản riêng có trước thời kỳ hôn nhân.Có rất nhiều trường hợp được người khác tặng cho tài sản trong thời kỳ hôn nhân nhưng không rõ đó là tài sản chung hay riêng.

Câu hỏi tư vấn: Tôi đã kết hôn và sinh 1 em bé, trong thời gian này chồng tôi được nhà chồng cho nhà và chuyển tên sang chồng tôi ( không có tên tôi). Vậy xin hỏi trường hợp này nếu tôi ly hôn hoặc chồng tôi mất thì tôi có được hưởng tài sản này không? Bây giờ nếu tôi muốn đứng tên cùng chồng thì cần điều kiện hay giấy tờ gì nữa? Tôi xin cảm ơn

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn dành cho công ty Luật Minh Gia, để trả lời cho thắc mắc này chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ, chồng như sau:

"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung"

Và tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về tài sản riêng của vợ, chồng cụ thể là:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Như vậy, xét trong vụ việc của chị, nếu nhà chồng chị tặng cho riêng chồng chị, thì đây được coi là tài sản riêng của chồng chị. Trong trường hợp không nêu rõ căn nhà này tặng riêng cho chồng chị, thì căn nhà này sẽ được xác định là tài sản chung giữa hai vợ chồng.

Trong trường hợp hai anh chị ly hôn, nếu đây là tài sản riêng của chồng chị thì căn nhà này vẫn thuộc về chồng chị. Nếu đây là tản sản chung của hai vợ chồng chị, trong trường hợp anh chị ly hôn, tài sản chung của hai vợ chồng được chia theo nguyên tắc chia đôi.

Trong trường hợp chồng chị mất và có để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo di chúc. Di sản thừa kế được xác định là tài sản riêng của người chết và tài sản của người chết trong phần tài sản chung của người khác. Trong trường hợp chồng chị mất, không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật. 

Tại Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

"a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".

Trong trường hợp chị muốn đứng tên cùng chồng trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì :

  • Căn cứ vào  khoản 1, điều 76 Nghị định 43/2014 Nghị định quy định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất Đai

Điều 76. Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng

"1. Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

b) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;

c) Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc lại diện tích, kích thước thửa đất

d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng"

Như vậy, chị có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà để ghi tên của vợ và chồng chị.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo