Hoàng Thị Kim Lý

Sau ly hôn gia đình chồng ngăn cản thăm con

Gia đình bên chồng luôn có những lý do khó dễ để không cho thăm con. Trong những lần gần đây tôi có ghi âm lại một số cuộc gọi đe dọa từ chồng cũ sẽ đốt nhà này nọ nếu không trả con lại cho họ, họ nói rằng mỗi lần đưa đón về bé không chịu về nhà bố nó mà cứ khóc đòi mẹ nên gia đình bên chồng nói sẽ không cho mượn con nữa.

 

Chào luật sưTôi và chồng cũ đã ly hôn cách đây gần 2 năm, tôi có 1 đứa con gái năm nay 4 tuổi, vì đi làm xa quê nên những ngày lễ tết được công ty cho nghĩ nên tôi về nhà thăm con, rước con về nhà mẹ ruột để trông nom chăm sóc vài ngày, nhưng những lần gần đây gia đình bên chồng luôn có những lý do khó dễ để không cho thăm con, rước con về nhà mẹ ruột, và trong những lần gần đây tôi có ghi âm lại một số cuộc gọi đe dọa từ chồng cũ sẽ đốt nhà này nọ nếu không trả con lại cho họ, lần cuối tôi rước con và trả như đã hứa thì họ nói rằng mỗi lần đưa đón về bé không chịu về nhà bố nó mà cứ khóc đòi mẹ nên gia đình bên chồng nói sẽ không cho mượn con nữa,như câu chuyện trên theo luật sư thì tôi phải làm gì và làm như thế nào để được tiếp tục mượn thăm con với tư cách là một người mẹ, sắp đến đây là tết âm lịch tôi được về quê thăm con nhưng vì gia đình bên chồng đã nói trước là sẽ không cho rước,kính mong nhận được lời khuyên và cách giải quyết hợp tình hợp lý để tôi có thể về thăm con tôi mỗi dịp lễ tết!tôi chân thành cảm ơn

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề chị đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, cha, mẹ người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ như sau:

 

"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

 

Như vậy, theo quy định của pháp luật, chị hoàn toàn có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở, bao gồm cả chồng cũ của chị hay gia đình chồng cũ của chị. Quy định này cũng đã được nhấn mạnh thêm tại khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

 

Việc bố mẹ chồng và chồng cũ của chị ngăn cản chị thăm con và có những cuộc điện thoại đe dọa là trái với quy định của pháp luật. Để giải quyết trường hợp này, trước hết chị nên thương lượng lại với chồng cũng như gia đình chồng để đảm bảo quyền lợi thăm con của chị.

 

Trong trường hợp chồng chị và gia đình chồng vẫn tiếp tục cố tình không cho bạn thăm nom con, chị có thể làm đơn yêu cầu gửi đến cơ quan thi hành án. Cơ quan thi hành án sẽ có những biện pháp cưỡng chế buộc chồng chị và gia đình chồng thực hiện đúng nghĩa vụ theo bản án cũng như theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo