Trần Tuấn Hùng

Quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Nhờ luật sư tư vấn về thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: Chúng tôi lấy nhau đầu năm 2009, năm 2010 chúng tôi sinh 1 bé trai. Tháng 5 năm 2014 chúng tôi đã làm thủ tục ly hôn. Hiện tôi đã có gia đình mới và có thêm 1 bé gái. Khi chúng tôi ly hôn, tôi đã đồng ý trước tòa để cho vợ cũ của tôi nuôi con và bản thân có trách nhiệm chu cấp hàng tháng theo thỏa thuận từ trước giữa 2 bên và đã được ghi nhận trong trích lục của Tòa án.

Hiện nay, con trai tôi và vợ cũ của tôi đã chuyển đi ở nơi khác, tôi thì ở xa nên cũng không có điều kiện đến thăm con thường xuyên (Tôi đến thăm con 1 đến 2 lần 1 tháng). Tôi gọi điện muốn nói chuyện với con trai thì có lần cô ấy cho gặp, có lần thì không, tôi tới trường muốn đón con thì cô ấy dặn các cô giáo ở trường của con trai tôi học không cho tôi gặp con, cũng không cho tôi đón con. Thời gian gần đây cô ấy có bảo tôi rằng do điều kiện công việc bận rộn nên cô ấy không có điều kiện chăm sóc và nuôi con được, do vậy vợ cũ của tôi muốn cho con trai tôi về nhờ bố mẹ cô ấy nuôi. Tôi không đồng ý với quan điểm này và nói nếu vợ cũ của tôi không nuôi được con trai tôi thì tôi sẽ nuôi và không cần cô ấy chu cấp bất cứ cái gì, nhưng cô ấy không đồng ý và nói chúng tôi đã chia tay, tôi đã không có trách nhiệm với con, cô ấy được tòa cho nuôi con nên thích để con cho ai nuôi thì để. Nếu tôi muốn nuôi con thì tôi và vợ tôi hiện tại phải đến gặp nói chuyện với cô ấy để cô ấy xem xét xem thái độ như thế nào, đồng thời con trai tôi phải đồng ý thì cô ấy mới để tôi nuôi con trai. 

Tôi thấy điều này thật vô lý nên muốn nhờ Công ty Luật Minh Gia tư vấn giúp, vợ cũ của tôi để cho bố mẹ của cô ấy nuôi con tôi là đúng hay sai, tôi muốn nhận con trai về nuôi thì tôi phải làm những thủ tục gì. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến cho Công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề cuả bạn, Luật Minh Gia xin được giải đáp như sau:

Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Như vậy, theo quy định tại Điều luật này, kể cả sau khi ly hôn con được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi nhưng bạn hoàn toàn có quyền cũng như nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu bé. Và vợ bạn không có quyền ngăn cản bạn thực hiện quyền của mình.

Về việc bạn muốn trực tiếp chăm sóc cháu bé:

Tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa
án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.”

Để có thể trực tiếp nuôi con bạn có thể thỏa thuận với vợ của bạn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Hoặc trong trường hợp không thỏa thuận được, bạn cần chứng minh được rằng, vợ bạn hoàn toàn không có đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc con cái. Trông trường hợp con bạn đã đủ 7 tuổi thì còn cần phải xem xét đến nguyện của cháu bé.

Hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

- Đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;

- Bản án ly hôn;

- Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực);

- Giấy khai sinh của con (bản sao);

- Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.

Hồ sơ bạn cần phải gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ của bạn cư trú để được giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo