Nguyễn Văn Cảnh

Quyền nuôi con và chia tài sản sau ly hôn

Thưa luật sư, cho em hỏi về ly hôn và quyền nuôi con như sau: Chị gái em đã kết hôn được 6 năm, có 1 gái (gần 6 tuổi) và 1 trai (gần 4 tuổi). Chồng chị làm cửa hàng cơ khi (công việc cũng thất thường và có nói chị em vay mượn tiền để làm ăn). Chị em thì làm công nhân. Lương tháng trên 5 triệu. Từ khi kết hôn, ba mẹ em cho anh chị căn phòng trọ ở cạnh nhà để ở (giờ đã cắt hộ khẩu riêng cho a/c).

Và từ đó đến giờ a/c cũng hay thường xuyên cãi vã, thậm chị a còn đánh chị nhiều lần. Ba mẹ và anh chị ruột của em có can ngăn nhưng anh rể vẫn cứ có chút men là kiếm chuyện đánh chị, chửi rủa. Không những vậy còn sỉ vả ba mẹ em khi ba mẹ lên tiếng can ngăn. Có lần khi chị mang thai đứa thứ 2, anh đánh chị đến đau đầu phải đi viện uống thuốc.

Gia đình có nói chị là ly hôn đi cho khỏi khổ nhưng chị em sợ con nhỏ không cha nên cứ nấn ná, bỏ qua cho anh rể hết lần này đến lần khác. Gần đây nhất là ngày 22/12/2015: chị gái em bệnh (do thời tiết thay đổi và có dịch nên bị sốt- trước đó thì cả nhà cũng bị nhưng đỡ rồi) nhưng vẫn cố đi làm. Về nhà thì lo con cái. Còn anh rể ở nhà rủ bạn bè đến nhậu. Sau khi bạn bè về hết anh kiếm chuyện là "Tại sao bạn bè tao tới chơi mà mi không cười?"  Chị em nói là " Người thì đau, đi làm cả ngày mệt mỏi về còn lo đủ thứ sức đâu là cười cho nổi." Vậy là anh rể lao vào đánh chị.

Ba mẹ và anh chị em gần đó chạy tới can ngăn thì anh chỉ tay vào mặt ba me em chửi là không biết dạy con, binh con... Sau 1 hồi anh rể em dắt xe ra và bồng đứa con trai nhỏ lên xe định chở đi. Chị em mới giành con lại, nói là " Đang say chở con đi té thì sao?". Sau khi giành con không được, anh rể lấy cây vào nhà đập phá đồ đạc (ti vi, bếp điện, bàn ghế, tủ... tan nát hết). Hàng xóm gọi công an vào giải quyết nhưng rồi cũng thả về ngay, không làm gì cả. Lần nay chị em đưa đơn ly hôn ra nhưng nghe nói là sau khi ly hôn thì chị chỉ được nuôi 1 trong 2 đứa thôi. Gia đình em rất thương chị và các cháu. E lo lắng rằng với tính tình cộc cằn, vũ phu như vậy đứa cháu theo anh rể em sẽ ra sao? Vì khi anh đánh chị em và đập phá đều có mặt các con ở đó. Các cháu rất sợ và khóc thét lên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và nhân cách trẻ sau này.

Như những gì em kể ở trên, theo luật sư liệu chị e có thể nuôi 2 đứa nhỏ không ạ? Nếu không thì mình có cách nào không ạ? và khi ly hôn vậy thì tài sản sẽ phân chia như thế nào? (Những đồ đạc anh rể em đập đều là công sức 2 v/c làm ra và mới mua chưa dc nửa năm nay). Phần tiền nợ chị em mượn cho anh rể làm ăn thì sao ạ? Rất mong nhận được sự tư vấn sớm từ luật sư. Em cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

*Về việc chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn:

Căn cứ theo khoản 2 điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, theo quy định này vợ chồng chị bạn có quyền tự thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp vợ chồng không tự thỏa thuận được có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện của hai bên và quyền lợi mọi mặt của hai con để xem xét. Vì anh rể của bạn thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình nên khi nộp đơn yêu cầu ly hôn, chị gái của bạn có thể cung cấp các bằng chứng chứng minh anh ta không đủ điều kiện để nuôi dưỡng chăm sóc con ( giấy giám định sức khỏe khi chị gái bạn bị đánh đập, lời làm chứng của hàng xóm…).

*Về vấn đề chia tài sản sau khi ly hôn:

Nghĩa vụ đối với khoản vay:

Căn cứ theo khoản 1 điều 37 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng nêu rõ:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

Do đó, khoản vay chị bạn vay cho chồng làm ăn được coi là nghĩa vụ chung của vợ chồng và cả hai cùng có trách nhiệm hoàn trả.

Về việc phân chia tài sản sau ly hôn:

Khi ly hôn, vợ chồng chị gái bạn có quyền tự thỏa thuận việc phân chia tài sản. Trường hợp không thể tự phân chia thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Điều 59 Luật này quy định về nguyên tắc chia tài sản chung sau ly hôn như sau:

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo