Triệu Lan Thảo

Quyền nuôi con sau khi ly hôn và các vấn đề có liên quan

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào luật sư, Tôi năm nay 27 tuổi. Kết hôn được hơn 4 năm và có 1 con trai gần 4 tuổi. Chồng tôi làm nghề lái xe. Thời gian gần đây anh ta nảy sinh việc chơi lô đề. Hàng tháng không hề đưa tiền cùng vợ nuôi con. Tôi đã nhắc nhở rồi khuyên nhiều lần nhưng ko hề thay đổi. Uống rượu về còn đập đồ đạc, dù không phải là đồ vật giá trị nhiều nhưng tôi không chịu nổi như vậy.

Vì con trai tôi đã ý thức và cũng bắt đầu hiểu được những việc bố làm. Trước đây khi gia đình khó khăn, 1 mình tôi đã lo cho cả gia đình đên khi chồng đi làm mong đỡ đần vợ thì lại thế. Cứ lúc nào tôi nói về chuyện a ta đánh đề là a ta lại khùng lên. Tôi muốn luật sư tư vấn giúp nếu tôi đơn phương xin li hôn có được quyền nuôi con hay không? Tôi làm ở cơ quan nhà nước, lương ít nhưng ổn định, tuy nhiên lại xa nhà. Còn anh ta thì hầu như không có nhà vì là lái xe đường dài. Trong thời gian là vợ chồng thì mẹ chồng tôi có sang tên cho a ta 1 lô đất mang tên anh ta nhưng hiện tại lô đất đó đang thế chấp vay ngân hàng và có cả chữ kí của tôi. Tôi không cần tài sản đó liệu có phải cùng anh ta trả nợ không? Sau đó mẹ chồng tôi lại sang tên cho vợ chồng tôi 1 lô đât nữa mang tên 2 vợ chồng. Thực ra tôi không cần. Tôi chỉ băn khoan về việc có phải cùng trả nợ không. Nếu li hôn và giành được quyền nuôi con thì yêu cầu trợ cấp nuôi con như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn trường hợp của bạn như sau:

Tại Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Do vậy, chị có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.

Theo quy định của pháp luật, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Thứ nhất, Đối với quyền nuôi con

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Trong trường hợp chị nêu, con của hai bạn đã được gần 4 tuổi, nếu như vợ chồng bạn không thỏa thuận được việc ai sẽ nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án sẽ quyết định dựa trên quyền lợi của con (tinh thần, vật chất). Theo thông tin bạn đưa thì bạn làm ở cơ quan nhà nước, lương ít nhưng ổn định, còn anh chồng của bạn thì làm lái xe, thường xuyên không có nhà, lại chơi lô đề… Căn cứ vào những thông tin trên, khi ra tòa thì quyền nuôi con rất có thể sẽ thuộc về bạn. Tuy nhiên, trước Tòa, bạn cần chứng minh khả năng của mình về việc có thể nuôi dưỡng và chăm sóc con (sức khỏe, điều kiện kinh tế, việc làm, chỗ ở, thu nhập, điều kiện giáo dục… hơn hẳn so với chồng bạn) để có thể chắc chắn giành được quyền nuôi con về phía bạn.

Theo quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nếu như bạn có được quyền nuôi con thì bạn có quyền yêu cầu chồng bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Về Mức cấp dưỡng, căn cứ vào mức thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng thì vợ chồng bạn có thể thỏa thuận, nếu như hai người không thể thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về Phương thức cấp dưỡng thì việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thứ hai, Về vấn đề tài sản

Đối với vấn đề này, do chúng tôi không rõ khoản nợ mà bạn đề cập đến trong câu hỏi là khoản nợ của vợ chồng bạn đã cùng thỏa thuận vay để phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của gia đình, hay khoản nợ do chồng bạn vay không vì nhu cầu của gia đình, hay phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của chồng bạn… Do đó, chúng tôi chia làm hai trường hợp như sau:

Giả định 1. Bạn sẽ phải cùng trả số nợ đó, nếu khoản nợ phát sinh trong các trường hợp sau theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Giả định 2. Bạn không phải cùng gánh chịu khoản nợ đó nếu như thuộc vào một trong các trường hợp sau quy định tại điều 45 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng."

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền nuôi con sau khi ly hôn và các vấn đề có liên quan. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo