LS Vy Huyền

Quyền nuôi con - Khi vợ chồng không quan tâm đến luật

Nội dung cần tư vấn: Xin chào Luật sư Vợ chồng tôi sống với nhau được 5 năm, có với nhau một gái một trai. Bé gái hiện được 4 tuổi, còn bé trai được 32 tháng tuổi. Trong thời gian sống chung vợ chồng tôi rất hay xảy ra mâu thuẫn vì chồng tôi rất mải chơi và hay tụ tập bạn bè đánh bài (không đánh lớn), tôi cũng có khuyên rất nhiều lần là thời gian rảnh rỗi anh có thể ngồi uống nước hoặc về chơi với con không dần dần sẽ thành thói quen.

Tôi cũng đã quản lý kinh tế để chồng tôi không tụ tập đánh bài như vậy nữa nhưng chồng tôi lại đi vay tiền bên ngoài để chơi (mặc dù số tiền vay không nhiều). Và dường như bỏ ngoài tai những lời góp ý của tôi, và còn buông những lời chửi rủa xúc phạm tôi và bố mẹ anh chị tôi và nói khi nào mày ngồi chơi mà kiếm được tiền như tao thì mày hãng nói (Thu nhập của chồng tôi cao hơn tôi một chút). Rồi chồng tôi nói nếu không chịu được thì li hôn và cho tôi nuôi cả hai bé. Nhưng bây giờ chồng tôi lại thay đổi ý định và giành quyền nuôi con với tôi. Thưa luật sư, vậy bây giờ tôi muốn giành quyền nuôi cả 2 bé thì tôi phải làm thế nào ạ (về kinh tế và thời gian chăm sóc con cái thì chồng tôi vẫn có thể đáp ứng được). Tôi đang bế tắc quá vì tôi không muốn phải sống xa một trong 2 bé. Gia đình tôi và và đình chồng tôi lại ở 2 tỉnh khác nhau nên tôi không muốn tình cảm mẹ con bị chia cách như vậy, vì còn liên quan đến công việc và địa lý nên nếu mỗi người nuôi một bé thì tôi cũng không thể thường xuyên thăm con được. Mong luật sư chỉ đường giúp tôi. Cảm ơn luật sư rất nhiều!


Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi hiểu và lấy làm tiếc cho cuộc sống hôn nhân của bạn. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Quy định chung về giành quyền nuôi con khi ly hôn nằm tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Cụ thể:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy có thể thấy rằng:

- Khi hai vợ chồng không thỏa thuận được ai sẽ là người nuôi con, Tòa án sẽ đứng ra quyết định, dựa trên tất cả các mặt để đảm bảo đứa trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất. Thông thường tòa sẽ xem xét dựa trên 3 yếu tố sau:

+ Yếu tố về vật chất: liên quan đến điều kiện kinh tế, nơi ở, sinh hoạt... của cha và mẹ khi nuôi con.

+ Yếu tố về tinh thần: liên quan đến thời gian chăm sóc, môi trường sống, đạo đức, thái độ... của cha và mẹ khi nuôi con.

+ Yếu tố của con: Con trên 7 tuổi thì sẽ được tham khảo ý kiến, nguyện vọng khi được chọn được ở cùng với ai.

Do đó yếu tố kinh tế không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyền nuôi con của bạn. Nhất là khi con bạn còn nhỏ, đang trong thời gian hình thành tính cách, phát triển tâm lý nên Tòa án sẽ xem xét nhiều hơn đến yếu tố về tinh thần. Về khía cạnh này thì chồng bạn không thể đáp ứng được (do có nếp sinh hoạt không lành mạnh).

- Pháp luật quy định: Con dưới 36 tháng tuổi được giao trực tiếp cho mẹ nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện nuôi. Do đó chồng bạn không thể đòi quyền nuôi cả hai cháu bé.

Như vậy, từ những phân tích trên, có thể thấy rằng khả năng giành quyền nuôi con của chồng bạn là không cao. Khi hai vợ chồng ra tòa để thực hiện thủ tục ly hôn, bạn có nhiệm vụ phải chứng minh trước tòa rằng mình có thể đáp ứng được điều kiện nuôi con, đảm bảo cho hai cháu có một cuộc sống tốt thì bạn có thể được quyền nuôi cả hai con. Và chồng bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho hai cháu theo quy định của luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Sau khi ly hôn, nếu chồng cũ của bạn không cấp dưỡng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống gia đình thì bạn có thể nhờ Tòa án can thiệp.
Hi vọng những căn cứ pháp lý trên đây có thể phần nào giúp giải tỏa lo lắng của bạn. Chúc bạn sớm vượt qua sóng gió này.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền nuôi con - Khi vợ chồng không quan tâm đến luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo