Trần Tuấn Hùng

Quyền nuôi con của vợ, chồng sau khi ly hôn

Thưa luật sư ! Tôi và vợ tôi cưới nhau từ năm 2011, có làm đăng ký kết hôn tại Đồng Nai (quê vợ tôi). Vợ chồng tôi sống chung với bố mẹ vợ (tại Đồng Nai) được 10 tháng không hợp với lối sống của bên nhà vợ nên tôi đề nghị chuyển về ở với bố mẹ tôi (tại Phú Yên) thì vợ tôi cũng đồng ý và về Phú Yên sống cho đến nay.


Hiện tại vợ chồng tôi có 2 đứa con: - Con gái 5 tuổi (không phải con ruột) - Con trai 4 tuổi (con ruột). Tháng 2 vừa rồi vợ chồng tôi có về dự đám cưới em vợ tôi ( tại Đồng Nai), không may con gái tôi bị tai nạn xe nên phải ở lại nhà ông bà ngoại (tại Đồng Nai) vì phải tái khám ở bệnh viện, vì còn công việc nên tôi phải về Phú Yên và muốn đưa con trai về cùng nhưng vợ tôi lại lấy lý do đưa con trai đi Sài Gòn khám bệnh để giứ con trại ở lại Đồng nai không cho tôi đưa con về Phú Yên. Vì vậy tôi phải về Phú Yên 1 mình. Sau khi con gái tôi đã tái khám và khỏe mạnh rồi tới ngày lễ 30/4,1/5 tôi có vào Đồng Nai thăm nhưng rồi vợ tôi lại đòi ở lại Đồng Nai sống chung với ông bà ngoại luôn. Khi tôi về Phú yên thì tôi muốn đưa con về Phú Yên sống với tôi nhưng vợ lại ko đồng ý nên tôi phải về 1 mình.​ Thưa Luật sư, vậy bây giờ nếu tôi là người đứng tên đưa đơn ly hôn thì tôi có quyền được nuôi cả 2 đứa con (hoặc 1 đứa con, trai hay gái cũng được) ko ?​ và nếu nộp đơn thì tôi phải nộp đơn tại nơi vợ chồng tôi đăng ký kết hôn ( tại Đồng Nai) hay là nộp tại nơi tôi đang sống (tại Phú Yên).​ Rất mong Luật sư tư vấn giúp đỡ cho tôi ! Chân thành cám ơn !​

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

Thứ nhất, vấn đề quyền nuôi con không

 

Căn cứ Điều 81 Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

 

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

 

Nếu yêu cầu ly hôn của bạn được Tòa án giải quyết cho ly hôn thì căn cứ vào Khoản 2, Điều 81 vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một trong hai bạn trực tiếp nuôi,như vậy bạn hoàn toàn có thể có quyền nuôi con, nếu muốn giành quyền nuôi con bạn phải chứng minh mình có điều kiện về tài chính, môi trường cho con phát triển tốt nhất, Tòa án sẽ căn cứ vào những gì mà hai bạn đã chứng minh về điều kiện nuôi con để quyết định giao con cho một trong hai bạn hoặc có thể mỗi bạn sẽ được quyền nuôi một con (vì hai bạn có hai con).

 

Thứ hai, về vấn đề thẩm quyền giải quyết ly hôn

 

Căn cứ Khoản 1, Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015

 

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

 

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

 

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

 

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”

 

Thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án Huyện nơi vợ bạn đang cư trú theo Khoản 1 (Đồng Nai), nếu không có sự thỏa thuận của hai bạn. Tuy nhiên nếu bạn nộp đơn tại Phú Yên thì đơn của bạn không bị trả lại mà vẫn sẽ được chuyển đến Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết (vì đây là vụ án ly hôn  thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Điều 28, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015)

 

Căn cứ tại Điểm c, Khoản 3, Điều 191, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

 

“1. Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

 

Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

 

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

 

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

 

a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

 

b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

 

c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

 

d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

 

4. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).”

 

Bạn có thể nộp đơn ly hôn tại một trong hai nơi, tuy nhiên để thuận tiện cho việc giải quyết thì bạn nên nộp đơn tại Tòa án cấp Huyện nơi vợ bạn đang cư trú.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo