Phạm Diệu

Quyền lưu cư của vợ/chồng sau khi ly hôn

Chào anh chị. Xin hỏi anh chị về quyền lưu cư sau ly hôn như sau: vợ chồng tôi mới có quyết định ly hôn ngày 30/11/15. Nhưng đến ngày 14/12/15 tôi mới nhận được quyết định mà là do chồng tôi mang về chứ không phải 2 vợ chồng cùng đến tòa lấy quyết định nhưng từ hôm đó chồng và mẹ chồng tôi liên tục đuổi tôi ra khỏi nhà: thúc ép, trì triết... chửi mắng.

Khi ly hôn tôi không đòi phân chia tài sản nhưng chúng tôi có làm bản thỏa thuận là sẽ để lại ngôi nhà và mảnh đất đang ở cho con trai chung duy nhất. Cũng thỏa thuận là ngôi nhà và đất sẽ do chồng tôi trực tiếp trông nom cho đến khi con tôi đủ 18 tuổi chồng tôi sẽ làm thủ tục tặng lại cho con trai tôi.

Trong quyết định thuận tình ly hôn chúng tôi thống nhất là chồng tôi sẽ được quyền trực tiếp nuôi cháu. Tuy nhiên chồng tôi là người đã ghép thận nên sức khỏe không tốt. Xin hỏi anh, chị 2 điều:

1. Chồng và mẹ chồng có được quyền đuổi tôi ra khỏi nhà không? Nếu tôi không chuyển đi thì ở như vậy có vi phạm pháp luật không?

2. Vì chồng tôi là bệnh nhân đã ghép thận nên tôi muốn dành lại quyền nuôi con vào thời điểm này có được không? Anh chị có thể tư vấn giúp tôi cách dành lại quyền nuôi con không? Cảm ơn anh, chị!

Trả lời: Chào chị, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia, Luật Minh Gia xin tư vấn cho chị như sau:

1. Về vấn đề chồng và mẹ chồng chị có được quyền đuổi chị ra khỏi nhà hay không:

Theo điều 63 Luật Hôn Nhân và Gia đình 2014, về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn:

Điều 63. Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn

Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, căn nhà hiện chị đang sống cùng chồng là tài sản riêng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, gặp khó khăn về chỗ ở, thì chị vẫn được tiếp tục sống tại đó, tối đa là 06 tháng, việc mẹ chồng và chồng chị không cho chị tiếp tục sống trong nhà nếu chị thuộc trường hợp nêu trên thì hành vi của họ là trái pháp luật.

2. Về quyền nuôi con

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Do chị không nêu rõ trường hợp của chị hiện nay như thế nào nên chúng tôi rất khó có thể tư vấn cụ thể cho chị. Tuy nhiên, việc chồng chị là bệnh nhân đã ghép thận chỉ là một phần trong các điều kiện để xét đến việc nuôi con. Nếu hiện nay, sức khỏe của chồng chị ổn định, có điều kiện kinh tế đảm bảo cho việc nuôi con thì rất có khả năng anh vẫn sẽ tiếp tục nuôi con.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo